Kính gửi văn phòng luật Phan Law Vietnam, tôi có một vấn đề mong nhận được giải đáp từ Quý công ty như sau:
Tôi thường xuyên theo dõi các thông tin pháp luật qua nhiều trang báo. Một trong số những chủ đề mà tôi thường xuyên gặp đó là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tôi muốn tìm hiểu kỹ hơn về loại bồi thường này, vì tôi thấy dường như việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thường xuyên được sử dụng trong đời sống hàng ngày.
Xin chân thành cảm ơn!
Xem thêm:
>> Sự kiện bất khả kháng là gì? Xác định điều kiện về sự kiện bất khả kháng
>> Giao kết hợp đồng là gì? Các bước giao kết hợp đồng
>> Thế nào là hợp đồng vô hiệu? Hệ quả khi hợp đồng vô hiệu là gì?
Tổng quan về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng để chia sẻ thắc mắc của mình đến Phan Law Vietnam. Đối với trường hợp mà bạn đang gặp phải, chúng tôi xin phép được giải đáp thắc mắc và tư vấn dựa trên những quy định của pháp luật hiện hành như sau:
Cần hiểu về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như thế nào?
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một dạng trách nhiệm dân sự không phát sinh từ quan hệ hợp đồng. Điều 584 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng:
“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”
Đối tượng phải thực hiện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là chủ thể có đủ năng lực hành vi dân sự. Cụ thể:
- Đối với người thành niên (từ đủ 18 tuổi trở lên) phải tự bồi thường thiệt hại.
- Đối với người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu
- Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
Xác định thiệt hại để bồi thường như thế nào?
Vì thiệt hại xảy ra ngoài hợp đồng, vì vậy những yếu tố bị xâm hại để xác định mức độ thiệt hại bao gồm:
- Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm
- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
- Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
- Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm
Trường hợp nào áp dụng bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng?
Ở mỗi yếu tố bị xâm phạm sẽ có các đặc điểm để người bị xâm phạm có thể xác định chính xác mức độ xâm phạm và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, pháp luật có liệt kê sẵn một số các trường hợp cụ thể tại Mục 3 Chương XX Bộ Luật Dân sự 2015 như: Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết; thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra; thiệt hại do người của pháp nhân gây ra; thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra; thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường; thiệt hại do súc vật gây ra; …
Trên đây là một số các thông tin pháp lý cơ bản về vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trường hợp cần được tư vấn chi tiết hơn, bạn có thể trao đổi trực tiếp cùng các luật sư của Phan Law Vietnam thông qua các phương thức liên hệ dưới đây.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư