Luật Doanh nghiệp được ban hành ngày 26/11/2014 và có hiệu lực từ ngày 01/07/2015, thay thế cho Luật Doanh nghiệp 2005. Cùng Phan Law tìm hiểu các điểm mới về doanh nghiệp được đề cập trong Luật Doanh nghiệp 2014 nhé!
Tách riêng thủ tục thành lập doanh nghiệp và thủ tục đầu tư dự án theo Luật Đầu tư
Các nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam đều phải được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo Luật Đầu tư sau đó sẽ tiến hành thủ tục thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Quy định như vậy để tách bạch rõ ràng giữa hai thủ tục đầu tư và thành lập doanh nghiệp. Hơn nữa việc đăng ký thành lập doanh nghiệp là hình thức nhà nước ghi nhận sự tồn tại của một doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam.
Công ty có thể có nhiều hơn 1 người đại diện
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là người đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định.
Theo khoản 2 Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2014, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có 1 hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật; trong đó, phải có ít nhất 1 người cư trú tại Việt Nam (tham khảo khoản 3 Điều 13 Luật Doanh nghiệp).
Nếu doanh nghiệp chỉ có 1 người đại diện theo pháp luật, và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không có người đại diện khác theo ủy quyền thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị phải cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty (tại (khoản 5 Điều 13 Luật Doanh nghiệp).
Bỏ quy định doanh nghiệp phải thông báo thời gian mở cửa tại trụ sở chính
Về trụ sở chính, Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2014 chỉ quy định: Trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc của doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
Đồng thời, bỏ quy định yêu cầu doanh nghiệp phải thông báo thời gian mở cửa tại trụ sở chính với cơ quan đăng ký kinh doanh trong vòng 15 ngày kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Doanh nghiệp được tự quyết định hình thức, số lượng con dấu
Theo Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp được tự quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu nhưng phải đảm bảo các thông tin về tên doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp phải có trên con dấu. Đặc biệt, trước khi sử dụng con dấu, doanh nghiệp phải thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động phải thành lập doanh nghiệp
Khoản 2 Điều 212 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định, hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 người lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp; đối với những hộ kinh doanh có quy mô nhỏ, việc đăng ký kinh doanh và hoạt động được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Được dùng quyền sở hữu trí tuệ để góp vốn
Ngoài các tài sản thông thường như đồng Việt Nam, ngoại tệ, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, Luật Doanh nghiệp 2014 còn cho phép cá nhân, tổ chức được sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để góp vốn thành lập doanh nghiệp (Điều 35). Trong đó, quyền sở hữu trí tuệ được dùng để góp vốn bao gồm: Quyền tác giả; Quyền liên quan đến quyền tác giả; Quyền sở hữu công nghiệp; Quyền đối với cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn.
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam xin được thông tin đến quý khách. Nếu còn vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để có thể được giải đáp nhanh nhất.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư