Theo truyền thống nước ta, Tết Nguyên Đán thường bắt đầu từ 23 tháng Chạp cho tới mồng 7 tháng Giêng âm lịch mỗi năm. Trong khoảng thời gian này, có nhiều hoạt động ngày Tết được diễn ra. Không khí vui Xuân đón Tết diễn ra rất rộn ràng trên khắp mọi miền đất nước. Đối với nhiều người, tất cả hoạt động diễn ra trước Tết không chỉ là quá trình chuẩn bị mà còn mang đến cảm giác tươi vui háo hức rất đặc biệt. Sau đây là một số hoạt động ngày Tết của gia đình Việt mỗi dịp Xuân về.
Mua sắm Tết
Sau một năm làm việc vất vả thì cuối năm ai cũng muốn đem về cho gia đình những món quà đầy ý nghĩa. Đây là thời gian nhộn nhịp nhất của năm khi mọi người đều mua sắm trang hoàng lại nhà cửa. Trong những ngày cuối năm, khi thấy chợ hoa bắt đầu xuất hiện các chậu mai, chậu quất hay cành đào là ta biết Tết đã đến thật gần rồi.
Dọn dẹp nhà cửa
Mọi nhà đều tranh thủ những ngày cuối năm để dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa cho tươm tất. Đây có lẽ là “điệp khúc” quen thuộc của nhiều gia đình Việt. Bởi vì Tết là sự kiện đánh dấu khoảnh khắc của một năm mới. Hơn thế nữa, Tết còn là dịp đón nhiều vị khách đến thăm nhà và chúc Tết. Vì vậy, dọn dẹp nhà cửa đã trở thành một hoạt động không thiếu vào mỗi dịp Tết.
Dọn dẹp ngày Tết không chỉ đơn giản là dọn nhà như ngày thường. Chúng ta cần dọn dẹp kĩ nơi cúng bái như bàn thờ, tủ thờ, những vật dụng dùng để thờ cúng… Vì đây là cách để một phần thể hiện lòng tôn trọng, cũng như biết ơn sự che chở phù hộ trong một năm qua của tổ tiên.
Gói bánh chưng
“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ – Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” là các món ăn và hình ảnh quen thuộc của ngày Tết cổ truyền. Chắc rằng có nhiều người khi còn nhỏ hay đòi mẹ gói riêng cho một chiếc bánh chưng nhỏ để luộc mau chín, ăn trước cho đỡ thèm đúng không?
Gói bánh chưng ngày Tết mang nhiều ý nghĩa hơn hẳn so với việc chỉ là một hoạt động ngày Tết. Việc cùng nhau gói bánh chưng giúp kéo gần khoảng cách giữa những thành viên trong gia đình. Cùng gói bánh chưng, cùng trông nồi bánh chưng luôn là hình ảnh Xuân không thể thay thế được. Đó cũng sẽ là những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ nhất vào dịp Tết mà đứa trẻ nào cũng sẽ nhớ.
Bày mâm ngũ quả
Theo quan niệm dân gian thì Tết là dịp ông bà tổ tiên sẽ về sum vầy với con cháu. Nên ngoài việc dọn dẹp, trang trí nhà cửa, mâm ngũ quả phải luôn được chuẩn bị chu đáo để bày chưng trên bàn thờ gia tiên.
Mỗi vùng miền sẽ có những tập tục riêng về các loại trái cây bày trên mâm. Điển hình như Tết miền Bắc sẽ chọn 5 loại quả với 5 màu sắc khác nhau tượng trưng cho ngũ hành. Còn miền Nam sẽ ưu tiên những loại quả như mãng cầu, đu đủ, dừa và xoài để cầu mong sung túc, may mắn sẽ đến trong năm mới. Các vùng miền đều có phong tục bày trí mâm ngũ quả khác nhau. Tuy nhiên, tất cả đều mang ý nghĩa cầu mong cho một năm mới hạnh phúc và may mắn.
Cúng ông Táo
Theo quan niệm thời xưa, ngày 23 tháng Chạp hằng năm là ngày Ông Táo phải về trời để báo cáo tất cả những việc đã xảy ra trong một năm ở mỗi gia đình.
Theo đó, nhiều gia đình sẽ dọn dẹp bếp núc sạch sẽ, cúng cá chép để Ông Táo cưỡi về trời. Với hy vọng năm mới sẽ tiếp tục được phù hộ cho gia đình bình an. Cá chép sau khi cúng xong sẽ được thả về với sông hồ, cũng là cách để thể hiện tấm lòng từ bi bác ái của người Việt.
Đón Giao Thừa
Đến thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người Việt thường có thói quen bày mâm cúng để cùng nhau đón Giao Thừa.
Đây là tục lệ đã có từ lâu đời, với ước nguyện mong may mắn, bình an cho năm mới. Ngoài ra, tùy mỗi nơi mà mọi người có thể đi hái lộc đầu năm, viếng thăm đền chùa. Hoặc cùng gia đình chờ đón khoảnh khắc giao thừa, xem bắn pháo hoa với mong muốn một năm mới hạnh phúc, bình an.