Cách làm đơn ly dị khi vợ ngoại tình
Khi vợ ngoại tình, nếu bạn không còn muốn chung sống hòa thuận với cô ấy nữa thì bạn có thể yêu cầu ly dị thuận tình với cô ấy. Tuy nhiên, nếu vợ bạn không chịu ký đơn ly dị thì bạn có thể yêu cầu Tòa án giải quyết ly dị đơn phương. Cụ thể như sau:
Cách làm đơn ly dị thuận tình
Khi vợ ngoại tình, người chồng nên trao đổi thẳng thắn và đánh giá lại cuộc hôn nhân trước khi quyết định ly dị. Trường hợp mong muốn ly dị, người chồng cũng cần bày tỏ quan điểm rõ ràng với vợ, thỏa thuận các vấn đề liên quan, đặc biệt là con cái.
Nếu vợ đồng ý ly dị, vợ hoặc người chồng sẽ thực hiện thủ tục làm hồ sơ nộp Tòa án có thẩm thẩm quyền để yêu cầu giải quyết ly dị.
Về mặt hồ sơ, vợ, chồng cần soạn đơn yêu cầu giải quyết việc ly hôn, ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP (đã sửa đổi và bổ sung bởi Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP). Vợ, chồng có thể lấy đơn từ Tòa án hoặc tải mẫu đơn này trực tuyến.
Ngoài ra, vợ, chồng còn phải nộp bản sao công chứng căn cước công dân của cả hai, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn bản chính, bản sao công chứng giấy khai sinh của con nếu có con chung và các giấy tờ về tài sản chung, nợ chung trong trường hợp có yêu cầu Tòa án ghi nhận thỏa thuận của vợ, chồng về việc phân chia tài sản vào quyết định công nhận ly hôn.
Thời gian giải quyết của Tòa án có thể kéo dài từ 2 – 4 tháng.
Cách làm đơn ly dị đơn phương
Trong nhiều trường hợp, người vợ không đồng ý việc ly dị, lúc này người chồng có thể cân nhắc việc nộp đơn ly dị đơn phương. Đơn ly dị đơn phương có nội dung tương tự đơn khởi kiện được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Ngoài đơn ly dị, người chồng còn phải nộp cho Tòa án bản sao công chứng căn cước công dân của mình, bản gốc giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, bản sao công chứng giấy khai sinh của con nếu có con chung, giấy tờ chứng minh về tài sản chung nếu có yêu cầu giải quyết chia tài sản chung.
Thông thường thời gian để Tòa án thụ lý, mở phiên xử ly dị từ 4 – 6 tháng. Tuy nhiên, trường hợp mâu thuẫn gay gắt và tranh chấp phức tạp về tài sản, thời gian giải quyết ly dị sẽ kéo dài.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng, người chồng không được đơn phương ly dị trong trường hợp người vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Có thể yêu cầu xử phạt vợ ngoại tình không?
Trường hợp vợ có hành vi ngoại tình, ngoài việc tìm hiểu cách làm đơn ly dị, người chồng còn có thể tố cáo hành vi ngoại tình của người vợ. Theo đó, người vợ có khả năng bị xử phạt hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, theo điểm a, điểm b khoản 1 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP về hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng.
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.
Trường hợp nghiêm trọng hơn, người vợ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 182 về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng:
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
Trên đây là cách làm đơn ly dị khi vợ ngoại tình. Để biết thêm thông tin liên quan, Quý Khách hàng có thể tìm đọc thêm các bài viết của Phan.vn hoặc liên hệ trực tiếp Phan Law Vietnam để được hỗ trợ.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư