Cấp dưỡng là một khái niệm đề cập đến việc hỗ trợ tài chính cho những người cần thiết mà mình có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc. Tùy vào từng trường mà luật quy định cụ thể, chúng ta cùng tìm hiểu rõ hơn trong bài viết này nhé.
Cấp dưỡng là gì?
Theo khoản 3 Điều 24 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 định nghĩa: “Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này.”.
Bên cạnh đó, tại Điều 107 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: “Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh chị em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, bác, cậu ruột và cháu; giữa vợ và chồng.”.
Như vậy, chúng ta có thể hiểu cấp dưỡng là hành động mà một người phải cung cấp tiền bạc hoặc tài sản khác để hỗ trợ những nhu cầu cơ bản của người không sống cùng mình mà họ có mối quan hệ đặc biệt với mình như quan hệ hôn nhân, cùng huyết thống hoặc quá trình nuôi dưỡng mà người đó chưa đủ 18 tuổi, hoặc là người đã trưởng thành nhưng đang đối mặt với khó khăn hoặc không có khả năng tự lo cho bản thân.
Mức cấp dưỡng
Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Ai có nghĩa vụ thực hiện cấp dưỡng?
Theo khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Tại khoản 3 Điều 87 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: Cha, mẹ đã bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Tại khoản 3 Điều 98 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng quy định: Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ chậm nhận con hoặc vi phạm nghĩa vụ về nuôi dưỡng, chăm sóc con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định của Luật này…
Bên cạnh đó, tại Điều 107 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã quy định rõ về người có nghĩa vụ cấp dưỡng như sau:
- Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
- Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
- Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định.
Những trường hợp cụ thể về nghĩa vụ cấp dưỡng
Các trường hợp cụ thể về nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định rõ từ Điều 110 đến Điều 113 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con
Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.
Nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha, mẹ
Con đã thành niên không sống chung với cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh, chị, em
Trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để cấp dưỡng cho con thì anh, chị đã thành niên không sống chung với em có nghĩa vụ cấp dưỡng cho em chưa thành niên không có tài sản để tự nuôi mình hoặc em đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; em đã thành niên không sống chung với anh, chị có nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh, chị không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu
Ông bà nội, ông bà ngoại không sống chung với cháu có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người cấp dưỡng theo quy định tại Điều 112 của Luật này.
Cháu đã thành niên không sống chung với ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ cấp dưỡng cho ông bà nội, ông bà ngoại trong trường hợp ông bà không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người khác cấp dưỡng theo quy định của Luật này.
Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột
Cô, dì, chú, cậu, bác ruột không sống chung với cháu ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng theo quy định của Luật này.
Cháu đã thành niên không sống chung với cô, dì, chú, cậu, bác ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cô, dì, chú, cậu, bác ruột trong trường hợp người cần được cấp dưỡng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng theo quy định của Luật này.
Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn
Khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình.
Xem thêm: Chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho vợ sau ly hôn không?
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam xin được thông tin đến quý khách. Nếu còn vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để có thể được giải đáp nhanh nhất.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư