Bitcoin tăng giá phi mã làm dấy lên cơn sốt tiền ảo, tiền điện tử trong cộng đồng. Hiện nay có rất nhiều loại tiền ảo mới cũng đang thu hút rất nhiều người Việt tham gia với mục tiêu trả thành tỷ phú trong thời gian ngắn. Không chỉ có nguy cơ mất trắng vì bị lừa đảo, “nhà đầu tư” tiền ảo còn có thể vi phạm pháp luật hiện hành.
Xem thêm:
>> Tiền ảo Pi – Rủi ro tiềm ẩn trong “giấc mộng” triệu đô!
>> Phim “Kiều” – kỳ vọng quá nhiều vào phim phóng tác truyện Kiều?
>> Lùm xùm nghi vấn bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” là tác phẩm “đạo nhái”!
Cơn sốt tiền ảo – Cẩn thận lừa đảo
Lang thang trên internet, bạn sẽ không khó bắt gặp các mẫu quảng cáo tiền ảo siêu hấp dẫn. Tuy nhiên điều đáng nói là trong số đó có rất nhiều thông tin sai sự thật, nhằm lôi kéo nhà đầu tư “đổ” tiền vào. Đến khi có được một khoản tiền kha khá, các sàn giao dịch tiền ảo này cũng “không cánh mà bay”.
Cần cảnh giác trước chiêu trò lừa đảo qua tiền ảo
Vừa qua, Công an TP.Hà Nội phối hợp với Công an TP.HCM triệt phá vụ lừa đảo lập 4 sàn giao dịch vàng, tiền ảo, ngoại tệ trái phép là Forex.com, Yaibroker, Vistaforex, Exswiss. Theo điều tra cho thấy có đến hơn 12.000 người sập bẫy với số tiền nạp vào là 4,3 triệu USD. Vụ việc này gây rúng động dư luận, khiến nhiều người chơi tiền ảo hoang mang.
Lãnh đạo Công an TP.HCM đã nhiều lần cảnh báo về hoạt động kinh doanh của các sàn giao dịch tiền ảo, các app đầu tư. Tuy nhiên nhiều người vẫn nhẹ dạ cả tin dẫn đến mất toàn bộ vốn đầu tư. Theo các chuyên gia tài chính, tiền mất qua việc đầu tư tiền ảo là rất khó lấy lại dù có khởi kiện ra cơ quan chức năng.
Ngoài ra, việc đầu tư tiền ảo thông qua các ứng dụng còn khiến người dùng đứng trước rủi ro bị đánh cắp thông tin cá nhân. Khi tải ứng dụng về, ứng dụng đó sẽ thu thập các dữ liệu trong thiết bị của bạn. Khi lượng người dùng tăng lên đông đảo với thông tin cá nhân họ thu thập được, họ hoàn toàn sử dụng để kinh doanh thu lợi, như bán quảng cáo chẳng hạn…
Chạy theo tiền ảo – Coi chừng vi phạm pháp luật
Theo quy định tại khoản 6, 7 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt có quy định: “Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước”.
Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định vừa nêu. Như vậy, các loại tiền ảo hiện không được chấp thuận tại Việt Nam, nên việc giao dịch tiền ảo hiện nay là trái pháp luật.
Tiền ảo chưa được công nhận là phương tiện thanh toán
Theo khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng thì các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (gồm tiền ảo) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 50 – 100 triệu đồng.
“Điều 26. Vi phạm quy định về hoạt động thanh toán
6. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Mở tài khoản thanh toán cho khách hàng, cho phép khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán không đúng quy định của pháp luật trong quá trình cung ứng dịch vụ thanh toán;
b) Cho thuê, cho mượn từ 10 tài khoản thanh toán trở lên;
c) Làm giả phương tiện thanh toán, lưu giữ, chuyển nhượng, sử dụng phương tiện thanh toán giả mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
d) Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.”
Ngoài ra, hành vi hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán gây thiệt hại có thể cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc tội “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” theo Điểm h khoản 1 điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Trường hợp gây thiệt hại từ 3 tỷ đồng trở lên, thì có thể bị phạt tù đến 20 năm.
Hiện nay, cơn sốt tiền ảo vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Các loại tiền ảo xuất hiện càng nhiều với các lời mời gọi đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên hãy nhớ rằng “không có bữa ăn nào là miễn phí”. Do đó hãy cẩn trọng trước khi “xuống tiền” cho các loại tiền ảo này nhé. Đây cũng là cách giúp bạn không gặp rắc rối pháp lý vì các loại tiền ảo vẫn chưa được pháp luật Việt Nam công nhận.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư