Kính chào văn phòng luật Phan Law Vietnam, tôi có vấn đề mong được giải đáp như sau:
Tôi hiện đang có nhu cầu tìm hiểu về chế độ tài sản vợ chồng qua các thời kỳ phát triển của pháp luật Việt Nam. Không biết chế độ tài sản này ở luat hon nhan gia dinh 1986 có những điểm gì nổi bật? Mong quý luật sư có thể định hướng và chia sẻ giúp tôi về các thông tin này.
Xin cảm ơn!
Tài sản chung luôn được chia đôi khi ly hôn?
Chế độ tài sản ước định theo Luật Hôn nhân Gia đình 2014
Đặc điểm của chế độ tài sản vợ chồng theo Luật Hôn nhân và Gia đình
Trả lời:
Phan Law gửi lời chào đến bạn, cảm ơn bạn quan tâm về dịch vụ tư vấn hôn nhân gia đình và đặt câu hỏi về cho chúng tôi. Về các đặc điểm nổi bật của chế độ tài sản vợ chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 1986 (Luật HN&GĐ 1986), chúng tôi xin được trình bày như sau:
Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi đã chấm dứt tình trạng chia cắt hai miền Nam – Bắc, thống nhất hoàn toàn đất nước sau 21 năm, đưa đến việc thống nhất xã hội, chế độ chính trị, dân cư và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được đổi tên thành nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam, tiến lên chế độ chủ nghĩa xã hội. Để phù hợp với tình hình mới của đất nước, Hiến pháp năm 1980 được thông qua tại Quốc hội khóa VI, kỳ họp thứ 7 ngày 18/12/1980. Điều 64 Hiến pháp năm 1980 quy định: “Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng”. Và để cụ thể hóa những nguyên tắc hiến định này, ngày 29/12/1986, Luật HN&GĐ năm 1986 ra đời cùng với Nghị quyết số 01-NQ/HĐTP ngày 20/01/1988 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn Tòa án các cấp áp dụng một số quy định của Luật HN&GĐ 1986.
Tương tự Luật HN&GĐ năm 1959, Luật HN&GĐ 1986 cũng không ghi nhận chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận mà chỉ quy định chế độ tài sản pháp định áp dụng chung cho các cặp vợ chồng. Điều 14 Luật HN&GĐ 1986 quy định: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ hoặc chồng tạo ra, thu nhập về nghề nghiệp và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được cho chung”. Luật HN&GĐ 1986 cũng xác định cụ thể quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với khối tài sản chung tại điều 15: “Vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau đối với tài sản chung. Việc mua bán, đổi, cho, vay, mượn, và những giao dịch khác có quan hệ đến tài sản mà có giá trị lớn thì phải được sự thỏa thuận của vợ, chồng”.
Bên cạnh đó, Điều 16 Luật HN&GĐ 1986 đã quy định quyền tài sản riêng của vợ, chồng: “Đối với tài sản mà vợ chồng có trước khi kết hôn, tài sản được thừa kế riêng hoặc được cho riêng trong thời kỳ hôn nhân thì người có tài sản đó có quyền nhập hoặc không nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng”. Đây cũng là điểm mới của Luật HN&GĐ 1986 so với Luật HN&GĐ 1959. Xuất phát từ thực tiễn của xã hội với mục đích bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ, chồng cũng như của người thứ ba liên quan đến tài sản sản chung vợ chồng, Luật HN&GĐ 1986 đã quy định bổ sung thêm về chia tài sản chung của vợ chồng khi hôn nhân đang tồn tại ở Điều 18 và xác định “nguyên tắc chia đôi tài sản chung” của vợ chồng tại Điều 42.
Như vậy, Luật HN&GĐ 1986 ra đời đã thay thế chế độ cộng đồng toàn sản bằng chế độ cộng đồng tạo sản; chế độ tài sản pháp định cũng đã được quy định cụ thể hơn. Tuy nhiên sau hơn 10 năm thực hiện, Luật HN&GĐ 1986 không thể bắt kịp với sự phát triển kinh tế xã hội đã bộc lộ những hạn chế nhất định: các quy định của Luật vẫn rất cô đọng, khái quát, định khung; chưa dự liệu hết các trường hợp để giải quyết tranh chấp phát sinh giữa vợ, chồng nên khi áp dụng vào thực tế nảy sinh nhiều vướng mắc, khó khăn.
Trên đây là một số nhận xét của Phan Law Vietnam về chế độ tài sản vợ chồng theo quy định của Luật HN&GĐ 1986, trong trường hợp bạn cần được hỗ trợ chi tiết hơn nữa hãy trực tiếp trao đổi với chúng tôi thông qua:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn