Trình tự ly hôn theo luật mới nhất
Bước 1 – Chuẩn bị hồ sơ ly hôn
Về cơ bản, hồ sơ ly hôn cần có các loại giấy tờ sau:
- Đơn ly hôn (bản chính);
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
- CMND/CCCD hoặc hộ chiếu, sổ hộ khẩu (bản sao có chứng thực);
- Giấy khai sinh của các con, nếu có con chung (bản sao có chứng thực);
- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản, nếu vợ chồng có tài sản chung (bản sao có chứng thực).
Theo đó, tùy theo trường hợp ly hôn, vợ chồng soạn đơn ly hôn theo các thể thức khác nhau.
Trường hợp ly hôn thuận tình, đơn ly hôn soạn theo mẫu tại Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP. Trường hợp ly hôn đơn phương, đơn ly hôn soạn theo nội dung của đơn khởi kiện trong tố tụng dân sự.
Bước 2 – Giải quyết ly hôn
Theo trình tự ly hôn thuận tình, sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ và tạm ứng án phí, Tòa án sẽ tiến hành thủ tục hòa giải. Nếu vợ chồng hòa giải không thành, trên cơ sở đánh giá điều kiện ly hôn, các thỏa thuận tài sản và con chung, Tòa án xem xét, ban hành quyết định công nhận ly hôn. Thời gian giải quyết ly hôn trong trường hợp này thường kéo dài từ 02 – 03 tháng.
Theo trình tự ly hôn đơn phương, sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ và tạm ứng án phí, Tòa án sẽ lấy ý kiến bị đơn, đề nghị cung cấp chứng cứ cần thiết, tiến hành các buổi hòa giải, công khai chứng cứ theo quy định Bộ luật Tố tụng dân sự. Sau đó, Tòa án sẽ mở phiên tòa xét xử để giải quyết ly hôn. Kết quả của việc xét xử là bản án ly hôn, phân định rõ quyền lợi các bên.
Thời gian ly hôn trong trường hợp này thường từ 04 – 06 tháng hoặc có thể kéo dài hơn nếu tranh chấp phức tạp.
Nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn
Nguyên tắc thứ nhất, tài sản trong thời kỳ hôn nhân, về cơ bản, là tài sản chung vợ chồng. Trường hợp một bên vợ hoặc chồng thực hiện trình tự ly hôn cho rằng đó là tài sản riêng, thì phải cung cấp chứng cứ để chứng minh.
Nguyên tắc thứ hai, tài sản chung vợ chồng không phải lúc nào cũng được chia đôi. Tòa án sẽ giải quyết chia tài sản chung theo trình tự ly hôn trên cơ sở xem xét các yếu tố như hoàn cảnh gia đình, công sức đóng góp của vợ và chồng,…
Nguyên tắc thứ ba, tài sản chung vợ, chồng thường được ưu tiên chia bằng hiện vật, để không tạo ra nhiều xáo trộn cho cuộc sống của vợ, chồng sau ly hôn, cũng như đảm bảo giá trị và tính nguyên trạng của tài sản.
Ví dụ, khi chia nhà ở là tài sản chung và là chỗ ở duy nhất của vợ chồng, Tòa án xem xét và quyết định cho người vợ hoặc chồng trực tiếp nuôi con chưa thành niên, con bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự được nhận hiện vật và có nghĩa vụ thanh toán giá trị tương ứng với phần tài sản được chia cho người còn lại nếu người còn lại có yêu cầu.
Giải quyết việc nuôi con khi ly hôn
Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được về việc ai sẽ trực tiếp nuôi con, thì Tòa án, theo trình tự ly hôn, sẽ quyết định dựa trên quyền lợi về mọi mặt của con. Theo đó, Tòa án sẽ đánh giá khách quan, toàn diện các tiêu chí sau đây:
a) Điều kiện, khả năng của cha, mẹ trong việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, bao gồm cả khả năng bảo vệ con khỏi bị xâm hại, bóc lột;
b) Quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi, được duy trì mối quan hệ với người cha, mẹ không trực tiếp nuôi;
c) Sự gắn bó, thân thiết của con với cha, mẹ;
d) Sự quan tâm của cha, mẹ đối với con;
đ) Bảo đảm sự ổn định, hạn chế sự xáo trộn môi trường sống, giáo dục của con;
e) Nguyện vọng của con được ở cùng với anh, chị, em (nếu có) để bảo đảm ổn định tâm lý và tình cảm của con;
g) Nguyện vọng của con được sống chung với cha hoặc mẹ.
Việc lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ 07 tuổi trở lên phải bảo đảm các yêu cầu sau:
a) Bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý, độ tuổi, mức độ trưởng thành để con có thể bày tỏ đúng và đầy đủ ý kiến của mình;
b) Không lấy ý kiến trước mặt cha, mẹ để tránh gây áp lực tâm lý cho con;
c) Không ép buộc, không gây áp lực, căng thẳng cho con.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư