Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp có số vốn được chia thành các phần bằng nhau gọi là cổ phần. Việc góp vốn của công ty cổ phần thông qua việc bán số cổ phần này cho những đối tượng khác – được gọi là cổ đông. Vậy cổ đông có được phép rút cổ phần, hay nói cách khác là rút vốn ra khỏi công ty cổ phần hay không?
Nghĩa vụ của cổ đông trong công ty cổ phần
Song song với những lợi ích mà cổ đông có được dựa trên số cổ phần mà mình nắm trong tay, các cổ đông đồng thời cũng phải đáp ứng được những nghĩa vụ cơ bản được quy định tại Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2014 (Luật Dn) cụ thể:
Thứ nhất, Thanh toán đủ và đúng thời hạn số cổ phần cam kết mua. Không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần.
Thứ hai, các cổ đông phải đảm bảo vẫn tuân thủ Điều lệ và quy chế quản lý nội bộ của công ty
Thứ ba, chấp hành nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị.
Và cuối cùng, cổ đông phải thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty.
Cổ đông rút vốn khỏi công ty cổ phần
Thông qua những nghĩa vụ của cổ đông mà Phan Law đã nêu trên, có thể xác định cổ đông không được trực tiếp rút cổ phần (rút vốn đã góp) ra khỏi công ty dưới mọi hình thức. Chỉ có hai ngoại lệ đó là số cổ phần hiện cổ đông đang nắm giữ được công ty hoặc người khác mua lại.
Hình thức công ty mua lại cổ phần được hướng dẫn tại Điều 129 và Điều 130 Luật Doanh nghiệp. Cụ thể là ở hai trường hợp: Mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông và mua lại cổ phần theo quyết định của công ty.
Hình thức cổ phần được mua lại bởi người khác được coi là việc chuyển nhượng cổ phần. Tại Điều 126 Luật Doanh nghiệp có hướng dẫn cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng theo cách thông thường hoặc thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc đại diện ủy quyền của họ ký. Trường hợp chuyển nhượng thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán, trình tự, thủ tục và việc ghi nhận sở hữu thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Ngoài ra, pháp luật cũng quy định thêm về trường hợp hưởng thừa kế đối với tài sản dưới dạng cổ phần.
Trên đây là một số thông tin pháp lý cần thiết để bạn có hướng giải quyết tốt nhất trong trường hợp muốn rút toàn bộ cổ phần của mình ra khỏi công ty cổ phần. Tất nhiên, còn một số các vấn đề liên quan khác tùy thuộc vào cổ phần bạn nắm giữ là loại nào, cũng như quyền hạn cổ đông của bạn ra sao; để được hỗ trợ tốt nhất về vấn đề này hãy liên hệ trực tiếp với đội ngũ luật sư của Phan Law thông qua:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn