Mỗi quốc gia có quyền ban hành pháp luật nhằm bảo hộ những đối tượng sở hữu trí tuệ nhất định phù hợp với lợi ích của mình. Các quốc gia sẽ lựa chọn tiêu chuẩn bảo hộ phù hợp với điều kiện phát triển của quốc gia mình. Theo đó, quyền sở hữu trí tuệ sẽ có những đặc điểm khác nhau ở mỗi quốc gia.
Quyền sở hữu trí tuệ mang tính lãnh thổ
Quyền sở hữu trí tuệ là “quyền có tính lãnh thổ”, nghĩa là chúng thường chỉ được bảo hộ trong lãnh thổ một nước (nước Việt Nam) hoặc trong lãnh thổ một khu vực (ví dụ trong lãnh thổ các nước thành viên của Tổ chức Sở hữu trí tuệ châu Phi (OAPI)) nơi đăng ký và nhận được sự bảo hộ. Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về hiệu lực của văn bằng bảo hộ như sau: “Văn bằng bảo hộ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam”.
Vì vậy, khi doanh nghiệp nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, nhãn hiệu hay kiểu dáng công nghiệp hợp pháp ở thị trường Việt Nam và đã được cấp các văn bằng bảo hộ thì quyền sở hữu trí tuệ đó chỉ được bảo hộ tại thị trường nội địa. Khi doanh nghiệp đưa tài sản trí tuệ của mình ra thị trường khác thì phải tiến hành đăng ký quyền sở hữu trí tuệ ở thị trường đó hoặc đăng ký tại Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).
Những ngoại lệ về tính lãnh thổ của quyền sở hữu trí tuệ
Thứ nhất, nhãn hiệu đã được sử dụng ở một số nước (chủ yếu là những nước có hệ thống pháp luật dựa trên “thông luật” như Ôxtrâylia, Ấn Độ,Vương quốc Anh và Hoa Kỳ) thì không cần phải đăng ký khi sử dụng ở những nước có liên quan. Khi đó, nhãn hiệu sẽ nhận được sự bảo hộ ở một mức độ nhất định ngay cả khi chưa đăng ký tại thị trường mới. Tuy nhiên, việc bảo hộ này cũng chỉ ở mức nhất định nên doanh nghiệp vẫn nên tiến hành đăng ký bảo hộ ở thị trường mới để được bảo hộ tốt hơn.
Thứ hai, quyền tác giả và quyền liên quan không cần phải đăng ký ở nước ngoài để nhận được sự bảo hộ. Đối với quyền tác giả, tác phẩm văn học hoặc nghệ thuật (nhóm tác phẩm kể cả phần mềm máy tính) được bảo hộ tự động ngay khi tác phẩm được tạo ra hoặc được định hình dưới dạng vật chất bất kỳ. Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng quy định quyền tác giả và quyền liên quan được bảo hộ tự động mà không cần phải đăng ký (Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ). Hơn nữa, một tác phẩm được công dân hoặc cư dân của một nước là thành viên của Công ước Berne (công ước về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật) hoặc thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tạo ra sẽ được bảo hộ tự động ở tất cả các nước thành viên khác của Công ước Berne hay WTO. Việt Nam hiện nay đã là thành viên của Công ước Berne và WTO nên những tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan ở Việt Nam cũng sẽ được bảo hộ ở tất cả các nước thành viên của Công ước Berne và WTO mà không cần đăng ký.
Như vậy, quyền sở hữu trí tuệ là quyền mang tính lãnh thổ, chỉ được bảo hộ trong phạm vi quốc gia. Do đó, khi đưa sản phẩm của mình ra thị trường nước ngoài doanh nghiệp cần phải tiến hành đăng ký để được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trừ trường hợp thuộc hai ngoại lệ trên. Tuy nhiên, để đảm bảo sản phẩm được bảo hộ tốt hơn, tránh trường hợp sao chép và sớm phát hiện những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì doanh nghiệp nên tiến hành đăng ký bảo hộ khi đưa sản phẩm ra nước ngoài.
Trên đây là toàn bộ nội dung chúng tôi muốn chia sẻ cùng bạn về các quy định liên quan đến Luật Sở hữu trí tuệ, Quý khách hàng có thể liên hệ trực tiếp với Phan Law qua thông tin dưới đây:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn