Vừa qua, tại Đông Triều (Quảng Ninh) vừa diễn ra một giao dịch lan var “Ngọc Sơn Cước” với tổng giá trị lên đến 250 tỷ đồng gây xôn xao dư luận và giới chơi lan. Chưa dừng lại ở đó, “cơn sốt lan đột biến” này còn lan ra các tỉnh thành khác như Sơn La, Hòa Bình vào đến tận Tây Nguyên. Các giao dịch chuyển nhượng lan var diễn ra với mật độ ngày càng thường xuyên, công khai, phô trương và được quảng bá, livestream rộng rãi trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok… với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Xem thêm:
>> Khi nào được xem là chết pháp lý?
>> 05 vạn khách hành hương đến chùa Tam Chúc khi dịch Covid-19 vừa lắng xuống
>> Ngô Thanh Vân cùng Luật sư Nguyễn Đức Hoàng “giải trình” về Trạng Tí
Gốc lan Ngọc Sơn Cước được định giá 250 tỷ đồng.
Cần cảnh giác với “bong bóng” lan var
Các thương vụ bạc tỷ liên quan đến các giống lan đột biến đã khơi dậy “máu” đầu tư của rất nhiều người. Ngay tại thời điểm giá lan var được đẩy lên cao, sẽ có nhiều nhà đầu tư bất chấp rủi ro, cầm cố tài sản, vay mượn ngân hàng, người thân, thậm chí huy động cả nguồn “tín dụng đen” để đầu tư với hy vọng đổi đời.
Tuy nhiên, cần hiểu rằng, những giao dịch này chỉ mới có nguồn thông tin từ các trang mạng xã hội và chưa được chứng thực. Các cơ quan chức năng đang vào cuộc để xác nhận lại giá trị chính xác từ các cuộc giao dịch trăm tỷ kia. Hơn 90% nhận định đây là những giao dịch ảo, mang tính chất lừa đảo nhằm tạo “bong bóng” cho thị trường những người chơi lan. Một khi “bong bóng” vỡ, chắc chắn sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp đến những người đầu tư. Mặt khác, tuy giao dịch với mức giá trên trời, nhưng theo thông tin các bên đều sử dụng tiền mặt, không có hợp đồng cụ thể; gây khó khăn cho việc xác minh tài chính. Cũng có thể thông qua những giao dịch này để có đối tượng xấu “rửa tiền”.
Có thể cấu thành tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Với các giao dịch như thế này, người mua chỉ nhận được các giống lan var theo quảng cáo. Tuy nhiên, giả như sau hàng năm trời dày công chăm sóc lại trổ bông là giống lan phổ biến, giá trị thấp thì lúc này có thể “bắt đền” bên nào? Chưa tính đến trường hợp vì quá xót xa số tiền đã bỏ ra mà dẫn đến xô xát, bạo lực.
Cần tỉnh táo tránh trường hợp bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Hiện tại, đối với các giao dịch lan đột biến siêu lợi nhuận, cơ quan thuế phối hợp với cơ quan công an ở một số tỉnh thành đã vào cuộc điều tra, xác minh. Trường hợp có đầy đủ bằng chứng, những đối tượng liên quan có thể bị khép vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo quy định tại Điều 174 Bộ Luật Hình sự hiện hành, tội phạm này sẽ bị xử phạt như sau:
“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Tóm lại, khi chưa có một nguồn tin chính thức nào xác nhận về giá trị của lan đột biến, mọi hoạt động định giá đều tự phát, không có căn cứ, cơ sở pháp lý, là cơ hội cho các đối tượng lợi dụng “thổi giá”, gây sự hấp dẫn giả tạo để kích thích, dẫn dụ người mới chơi. Mọi người cần tỉnh táo, nâng cao cảnh giác; chủ động phòng, tránh âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng hoạt động mua bán hoa lan đột biến gen nhằm mục đích trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư