Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM (PC03) vừa ban hành kết luận điều tra đề nghị truy tố Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Với thủ đoạn tinh vi, nhóm Nguyễn Thái Luyện đã thực hiện phân lô, bán nền trái phép, khiến gần 4000 khách hàng “sập bẫy” với số tiền lừa đảo được là 2.373 tỉ đồng.
Xem thêm:
>>> MC truyền hình bị lợi dụng để bán thuốc trên YouTube
>>> Phẫn nộ hành vi đánh nữ sinh sau va chạm giao thông tại Bình Dương
>>> Tuyên xử tài xế Mercedes gây tai nạn cho nữ tiếp viên hàng không
Đề nghị truy tố Nguyễn Thái Luyện và đồng bọn
Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM (PC03) vừa ban hành kết luận điều tra đề nghị truy tố Nguyễn Thái Luyện, ông trùm ‘dự án ma’ địa ốc Alibaba và 22 đồng phạm. Trong đó, Võ Thị Thanh Mai (vợ của Luyện, 33 tuổi, quê Quảng Bình), Giám đốc Công ty CP Alibaba Law Firm và Nguyễn Thái Lực (em ruột của Luyện, 21 tuổi) ngoài tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” còn bị truy tố về tội “Rửa tiền”; Huỳnh Thị Kim Thắng (25 tuổi, quê Quảng Ngãi), Kế toán trưởng Công ty Alibaba bị truy tố về tội “Rửa tiền”.
Đáng lưu ý, trong số các bị can bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” có Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (25 tuổi, quê Tiền Giang), Phó tổng giám đốc phụ trách truyền thông Công ty Alibaba, đã bị TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xử phạt 4 năm 6 tháng tù giam về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản và gây rối trật tự công cộng” xảy ra vào tháng 6.2019; và Huỳnh Thị Ngọc Như (28 tuổi, quê Đồng Nai), Phó tổng giám đốc phụ trách đào tạo của Công ty Alibaba.
PC03 Công an TP.HCM nhận định đây là vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản có số lượng bị hại nhiều nhất trong những năm qua. Kết quả điều tra xác định, Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm đã thành lập ra 22 pháp nhân, vẽ ra 58 dự án bất động sản “ma” tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận rồi tự phân lô, tách thửa trái phép để lừa bán cho 3.924 bị hại, chiếm đoạt số tiền hơn 2.373 tỉ đồng.
Làm thế nào để Nguyễn Thái Luyện và đồng bọn lừa hơn 2.373 tỉ đồng?
Để lừa được hàng ngàn người, Luyện đã vạch ra một quy trình rất bài bản gồm 5 bước để đưa các “thượng đế” vào tròng.
Bước 1:
Dùng tiền cá nhân và tiền chiếm đoạt từ khách hàng giao cho người thân, nhân viên thân tín đứng tên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận. Sở dĩ Công ty Alibaba không tự đứng tên nhận chuyển nhượng đất là do theo quy định tại Điều 193 Luật đất đai: Tổ chức kinh tế chỉ được nhận chuyển nhượng, góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp khi có đủ điều kiện “Có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền… để thực hiện dự án”. Do Công ty này không thực hiện dự án nào nên để lách luật, Nguyễn Thái Luyện giao cho các cá nhân là người thân, nhân viên thân tín đứng tên để nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp.
Bước 2:
Sau khi hoàn tất chuyển nhượng hoặc chỉ mới đặt cọc, Luyện chỉ đạo các cá nhân lập hợp đồng ủy quyền cho pháp nhân (1 trong 22 pháp nhân của Alibaba) để vẽ dự án “ma”, phân lô, tách thửa trái quy định pháp luật. Việc ủy quyền cho pháp nhân này có mục đích chính là để người dân, khách hàng tin là có dự án thật.
Bước 3:
Các pháp nhân dùng tư cách chủ đầu tư tiến hành vẽ dự án “ma” trên đất nông nghiệp, phân lô tách thửa trái quy định và thông qua bộ phận truyền thông để quảng cáo bán sản phẩm. Để củng cố niềm tin của khách hàng, Alibaba đã thành lập một doanh nghiệp chuyên về truyền thông (Công ty TNHH truyền thông ALI), quảng bá liên tục trên các trang web, mạng xã hội; tổ chức các buổi tiếp xúc khách hàng quy mô lớn, đồng thời thường xuyên, liên tục tập huấn cho nhân viên cách thức tư vấn bán sản phẩm cho khách, các cách thức để khách hàng tin tưởng mua nền.
Bước 4:
Luyện chỉ đạo các chủ đầu tư ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh phân phối nền đất với Công ty Alibaba để Công ty này trở thành đại lý phân phối nền cho khách hàng, nhằm mục đích che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của các dự án nêu trên, đồng thời tạo ra giao dịch ảo để khách hàng tin tưởng là các dự án có đủ tính pháp lý, đủ điều kiện chuyển nhượng theo Luật kinh doanh bất động sản mà đồng ý mua.
Bước 5:
Khi khách hàng đồng ý mua, Luyện chỉ đạo các pháp nhân ký kết hợp đồng với khách hàng nhưng tiền thu được thì nộp về Công ty Alibaba cho Luyện quản lý, sử dụng.
Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Nguyễn Thái Luyện đã đưa ra thủ đoạn: Cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị Hợp đồng. Với phương thức này, hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Alibaba chào bán đều không nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới dạng thổ cư như cam kết khi đến hạn, mà sẽ được Công ty Alibaba chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.
Nguyễn Thái Luyện và đồng bọn có thể nhận mức án nào?
Mức án cao nhất Luyện có thể nhận là tù chung thân
Hành vi của Luyện và Lĩnh có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Trường hợp Tòa án xác định Luyện và các đồng phạm có hành vi phạm tội lừa đảo với số tiền chiếm đoạt lên tới hàng ngàn tỷ đồng thì mức án các đối tượng này phải đối mặt là bị phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Khi quyết định hình phạt, các đối tượng chủ mưu cầm đầu, thực hành tích cực, được lợi lớn từ hành vi phạm tội sẽ phải chịu mức án nghiêm khắc hơn và có thể lên mức tù chung thân.
Trường hợp mở rộng điều tra, Cơ quan tiến hành tố tụng xác định được những người đứng đầu các công ty con hoặc trong bộ máy tổ chức của Công ty Alibaba có tham gia quá trình bàn bạc, hoạch định thống nhất kế hoạch, tổ chức thực hiện hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của khách hàng thì các đối tượng này sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.
Bên cạnh đó, nếu xác định có hành vi của cán bộ địa phương buông lỏng quản lý hoặc cố ý làm trái quy định về quản lý đất đai, xây dựng tiếp tay cho tội phạm thì tùy vào tính chất mức độ hành vi và hậu quả gây ra sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Sự việc đáng buồn này cũng là hồi chuông cảnh tỉnh với những nhà đầu tư, người dân cần nâng cao cảnh giác để không bị rơi vào “bẫy lừa” như những nạn nhân trong vụ Alibaba này. Các cơ quan chức năng cũng cần phải có cơ chế quản lý, tăng cường kiểm tra, để một vụ “siêu lừa đảo” như thế này diễn ra trong thời gian dài, với con số khủng 3.924 bị hại với hơn 2.373 tỉ đồng như đại án này không phải là sự vô can của cơ quan chức năng.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư