Đơn xin ly hôn là tài liệu quan trọng cần có trong hồ sơ ly hôn, bắt buộc đương sự phải soạn thảo đơn theo đúng quy định của pháp luật thì mới được Tòa án giải quyết. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách viết đơn xin ly hôn đầy đủ nội dung sao cho hợp pháp, trong bài viết này Phan Law Vietnam sẽ hướng dẫn Quý khách hàng soạn thảo đơn ly hôn đầy đủ nhất.
Đơn xin ly hôn là gì?
Đơn xin ly hôn là văn bản ghi nhận yêu cầu của vợ chồng đề nghị Tòa án giải quyết cho ly hôn và các vấn đề liên quan như quyền nuôi con, phân chia tài sản chung.
Đơn xin ly hôn mua ở đâu?
Hiện nay, có rất nhiều mẫu đơn ly hôn trên các trang mạng không chính thống được đăng tải và nhiều trường hợp Tòa án đã trả lại hồ sơ ly hôn vì mẫu đơn xin ly hôn không hợp pháp. Vì vậy để có được đơn xin ly hôn chính xác nhất bạn nên mua trực tiếp tại Tòa án. Vì hiện nay các tòa thường ban hành mẫu đơn xin ly hôn riêng biệt. Điều này xuất phát từ cách thức làm việc của từng địa phương. Tuy nhiên, về nội dung cơ bản thì những mẫu đơn này đều dựa theo mẫu do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành.
Tuy nhiên, trong trường hợp vợ hoặc chồng ở xa Tòa án có thẩm quyền thì khó có thể đến tòa mua mẫu đơn trực tiếp, bạn có thể tham khảo mẫu đơn tại đây.
Hướng dẫn cách viết đơn xin ly hôn đầy đủ nhất
Đơn ly hôn về cơ bản sẽ phải có các nội dung chính như sau:
- Thời gian làm đơn ly hôn;
- Tên Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết ly hôn;
- Thông tin của hai bên vợ và chồng;
- Lý do dẫn đến ly hôn;
- Thông tin về tài sản chung, các khoản nợ chung, con chung của hai vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân;
- Đơn ly hôn được xác thực từ vợ, chồng.
Đối với cách viết đơn ly hôn thuận tình, cần phải trình bày đầy đủ, chính xác các thỏa thuận của vợ chồng về việc phân chia quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi người đối với các tài sản chung, các khoản nợ chung, con chung sau khi ly hôn.
Đối với cách viết đơn ly hôn đơn phương, cần chứng minh được quá trình hôn nhân không hạnh phúc đến mức không thể hàn gắn vì hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của bên còn lại để Tòa án có căn cứ giải quyết ly hôn.
Các nội dung trong đơn xin ly hôn được trình bày cụ thể như sau:
Lý do xin ly hôn: Người viết đơn ly hôn cần đề cập tới thời gian kết hôn và chung sống của vợ chồng ở đâu, thời điểm nào? Mâu thuẫn phát sinh khi nào? Mâu thuẫn cụ thể ra sao? Hiện nay có còn sống chung với nhau không? Lý do yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn là gì?
Con chung: Trường hợp đã có con chung thì ghi thông tin chi tiết của con chung (họ tên, năm sinh), thỏa thuận của vợ/ chồng về người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con chung, mức cấp dưỡng cụ thể. Nếu chưa thỏa thuận được thì đề nghị Tòa án giải quyết như thế nào? Trường hợp chưa có con chung thì ghi không có con chung nên không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Tài sản chung: Liệt kê toàn bộ thông tin về phần tài sản chung hiện có, giá trị thực tế và đề nghị phân chia tài sản như thế nào? Trong trường hợp cả hai bên đã tự thỏa thuận được về tài sản chung thì nêu rõ vợ chồng tự thỏa thuận về tài sản chung nên không yêu cầu Tòa án giải quyết. Nếu không có tài sản chung thì ghi rõ không có tài sản chung nên không yêu cầu giải quyết.
Nợ chung: Nếu có nợ chung thì cần ghi cụ thể số nợ, thông tin chi tiết về khoản nợ (chủ nợ, nợ tiền mặt hay nợ tài sản, thời gian trả nợ,…), và đề nghị Tòa án giải quyết phân chia về nợ chung hoặc thỏa thuận của vợ chồng về việc giải quyết nợ chung. Nếu không có nợ chung thì ghi không có nợ chung nên không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Đơn xin ly hôn nộp ở đâu?
Việc nộp hồ sơ xin ly hôn phụ thuộc vào việc vợ, chồng thuộc trường hợp ly hôn thuận tình hay ly hôn đơn phương, vợ chồng ly hôn có yếu tố nước ngoài hay không?
Trong trường hợp thuận tình ly hôn:
Vợ chồng có thể thỏa thuận đến Tòa án nơi cư trú của vợ hoặc của chồng để làm thủ tục.
Trong trường hợp ly hôn đơn phương:
- Thông thường khi trường hợp ly hôn đơn phương cần căn cứ theo nơi cư trú hoặc nơi làm việc của bị đơn. Việc gửi đơn này đảm bảo cho phía bị đơn không bị mất thời gian đến nơi người có yêu cầu đơn phương để giải quyết vụ việc.
- Khi không xác định được nơi bị đơn cư trú thì có thể liên hệ và nộp hồ sơ tại Tòa án nơi người này làm việc. Nếu không biết cả nơi cư trú và nơi làm việc thì có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết.
- Nếu bị đơn biệt tích, có thể làm đơn yêu cầu thông báo tìm kiếm đương sự vắng mặt tại nơi cư trú. Trường hợp bị đơn đã biệt tích 02 năm liền trở lên và đã áp dụng đầy đủ các biện pháp: thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết, có thể yêu cầu Toà án tuyên bố người đó mất tích và giải quyết ly hôn.
Nếu không có yếu tố nước ngoài:
- Nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú, nơi làm việc của người muốn ly hôn trong trường hợp hai bên thỏa thuận.
- Nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú, làm việc của người còn lại trong trường hợp hai bên không có thỏa thuận.
Nếu có yếu tố nước ngoài:
- Nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú, nơi làm việc của người muốn ly hôn trong trường hợp hai bên thỏa thuận.
- Nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú, làm việc của người còn lại trong trường hợp hai bên không có thỏa thuận.
Lưu ý: Đối với trường hợp ly hôn giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam thì nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư