Đăng ký kinh doanh hay đăng ký doanh nghiệp là việc người thành lập doanh nghiệp đăng ký thông tin về doanh nghiệp dự kiến thành lập, doanh nghiệp đăng ký những thay đổi trong thông tin về đăng ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh và được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Đăng ký doanh nghiệp bao gồm đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh và các nghĩa vụ đăng ký, thông báo khác theo quy định pháp luật. Việc đăng ký kinh doanh là một trong những hoạt động mà chủ thể kinh doanh cần tiến hành khi bắt đầu bước chân vào thương trường, hãy cùng Phan Law Vietnam tìm hiểu về thủ tục đăng ký kinh doanh trong bài viết dưới đây.
Tại sao phải đăng ký kinh doanh?
Khi kinh doanh bất cứ sản phẩm dịch vụ gì bạn cũng cần tiến hành đăng ký kinh doanh để được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích trong quá trình kinh doanh. Cụ thể khi xin giấy phép kinh doanh bạn sẽ có các quyền lợi sau:
- Sự bảo đảm của nhà nước: Một chủ thể kinh doanh khi đăng ký kinh doanh tức là tồn tại dưới dạng một tổ chức, được thành lập và hoạt động hợp pháp theo luật kinh doanh. Khi đó, bất kì một hoạt động kinh doanh nào của tổ chức này đều được hợp pháp hóa một cách công khai và minh bạch. Từ đó mọi quyền lợi của doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh đều được sự bảo hộ theo đúng quy định của pháp luật.
- Lòng tin với khách hàng: Việc được thành lập hộ kinh doanh là bằng chứng về tính trách nhiệm của đơn vị kinh doanh đó với khách hàng. Bất kì một hoạt động thương mại nào của doanh nghiệp nếu có sự vi phạm đều phải chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước và khách hàng, điều đó tạo được lòng tin của khách hàng với doanh nghiệp.
- Lòng tin của nhà đầu tư: Các chủ thể kinh doanh đều phải tìm kiếm và phát triển thị trường. Để làm được điều đó họ cần phải huy động vốn. Khi doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh sẽ được hoạt động hợp pháp và điều này thu hút các nhà đầu tư khi đầu tư.
- Tuân thủ pháp luật, tránh bị xử phạt: Tiến hành đăng ký kinh doanh tức là doanh nghiệp đang hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, tránh được việc xử phạt hành chính khi bị cơ quan quản lý có thẩm quyền kiểm tra giấy phép.
Hướng dẫn đăng ký kinh doanh nhanh nhất
Tùy vào từng loại hình doanh nghiệp mà áp dụng các hình thức đăng ký kinh doanh khác nhau. Sau đây chúng tôi sẽ hướng dẫn Quý khách thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp – một trong những hình thức phổ biến nhất để đăng ký kinh doanh bao gồm các bước:
- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ tùy thuộc vào loại hình công ty đã lựa chọn. Hồ sơ gồm tài liệu, giấy tờ cần thiết trong quy định tại các Điều 19, 20, 21, 22 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Bước 2: Nộp hồ sơ
Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được uỷ quyền sẽ nộp 01 bộ hồ sơ đến Cơ quan đăng ký kinh doanh theo hình thức trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc qua mạng điện tử.
- Bước 3: Giải quyết hồ sơ
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ đánh giá, xem xét tính hợp lệ của hồ sơ. Trong trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ thông báo đến người thành lập doanh nghiệp những nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Nếu đã đáp ứng đủ điều kiện về hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp.
Các câu hỏi thường gặp khi đăng ký kinh doanh
Doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh ở đâu?
Khi muốn thành lập doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp tại: Phòng đăng ký kinh doanh/ Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Thủ tục đăng ký doanh nghiệp thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp: dangkykinhdoanh.gov.vn
Đăng ký kinh doanh mất thời gian bao lâu?
Theo quy định của Luật doanh nghiệp, thời gian xử lý cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Đăng ký kinh doanh có cần hộ khẩu thường trú hay không?
Việc thành lập công ty không căn cứ vào hộ khẩu thường trú của người thành lập mà người khởi nghiệp có thể thành lập công ty hoặc hộ cá thể ở bất cứ tỉnh nào khi có nhu cầu kinh doanh tại tỉnh đó.
Đăng ký kinh doanh cần bao nhiêu vốn?
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành, việc kê khai vốn bao nhiêu là quyền của doanh nghiệp, doanh nghiệp tự kê khai và tự chịu trách nhiệm về vốn điều lệ của công ty. Trừ các ngành nghề có yêu cầu vốn pháp định doanh nghiệp phải đăng ký mức vốn theo quy định của pháp luật nhưng cũng không cần chứng minh nguồn vốn mà chỉ đảm bảo chịu trách nhiệm đối với nguồn vốn kê khai và đủ nguồn vốn ký quỹ theo quy định một số ngành nghề cụ thể.
Đăng ký kinh doanh cần có trụ sở không?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải đăng ký địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp. Chung cư và nhà tập thể không được đăng ký làm trụ sở công ty cũng như địa chỉ của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của công ty.
Công chức, viên chức có được đăng ký doanh nghiệp?
Theo quy định Luật doanh nghiệp: các đối tượng sau không được phép thành lập và quản lý doanh nghiệp: Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư