Khi vợ chồng quyết định đi đến ly hôn thì người vợ hoặc chồng viết đơn ly hôn và nộp hồ sơ tại tòa án nhân dân có thẩm quyền thụ lý giải quyết. Nhưng không phải ai cũng biết cách viết đơn ly hôn đúng chuẩn theo quy định của pháp luật. Trong bài viết dưới đây, Phan Law Vietnam sẽ hướng dẫn viết đơn ly hôn đơn phương và thuận tình mới nhất.
Đơn ly hôn là gì?
Đơn xin ly hôn là biểu mẫu do các Toà án cung cấp hoặc do vợ, chồng tự soạn thảo thể hiện các thông tin cá nhân như: họ tên, số chứng minh thư nhân dân, địa chỉ cư trú cùng các nội dung yêu cầu Tòa án xem xét, công nhận giải quyết về việc chấm dứt quan hệ hôn nhân.
Hướng dẫn viết đơn xin ly hôn mới nhất
Trường hợp đơn xin ly hôn thuận tình:
Cách viết đơn xin ly hôn thuận tình theo mẫu số 01-VDS quy định tại Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP, cụ thể:
- Mục số (1) ghi loại việc dân sự mà người yêu cầu yêu cầu Tòa án giải Quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự
- Mục số (2) và (5) ghi tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự:
- Nếu là Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì ghi rõ tên Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào;
- Nếu là Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi Tòa án nhân dân tỉnh (thành phố) đó;
- Mục số (3) ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh và số chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác của người yêu cầu;
- Mục số (4) nếu người yêu cầu là cá nhân thì ghi đầy đủ địa chỉ nơi cư trú, nơi làm việc (nếu có) của người đó tại thời điểm làm đơn yêu cầu;
- Mục số (6) ghi cụ thể những nội dung mà người yêu cầu yêu cầu Tòa án giải quyết;
- Mục số (7) ghi rõ lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó;
- Mục số (8) ghi rõ họ tên, địa chỉ nơi cư trú, nơi làm việc (nếu có) của những người mà người yêu cầu nhận thấy có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó;
- Mục số (9) ghi những thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình.
- Mục số (10) ghi rõ tên các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn yêu cầu, là bản sao hay bản chính, theo thứ tự 1, 2, 3,…
- Mục số (11) ghi địa điểm, thời gian làm đơn yêu cầu;
- Mục số (12) chữ ký hoặc điểm chỉ của người yêu cầu.
Trường hợp đơn xin ly hôn đơn phương
Theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP, cách viết mẫu đơn xin ly hôn đơn phương được quy định như sau:
- Mục số (1) ghi địa điểm làm đơn khởi kiện;
- Mục số (2) ghi tên Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án;
- Nếu là Toà án nhân dân cấp huyện, thì cần ghi rõ Toà án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào;
- Nếu là Toà án nhân dân cấp tỉnh, thì ghi rõ Toà án nhân dân tỉnh (thành phố) nào và địa chỉ của Toà án đó;
- Mục số (3) ghi rõ họ tên của người khởi kiện (người yêu cầu đơn phương ly hôn);
Trong trường hợp người yêu cầu đơn phương ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì ghi họ tên, địa chỉ của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó.
- Mục số (4) ghi đầy đủ địa chỉ cư trú của người yêu cầu đơn phương ly hôn tại thời điểm nộp đơn khởi kiện;
- Các mục số (5), (7), (9) và (12) ghi tương tự như hướng dẫn tại mục số (3);
- Các mục số (6), (8), (10) và (13) ghi tương tự như hướng dẫn tại mục số (4);
- Mục số (11) nêu cụ thể từng vấn đề yêu cầu Toà án giải quyết;
- Mục số (14) ghi rõ tên các tài liệu kèm theo đơn khởi kiện gồm có những tài liệu nào và phải đánh số thứ tự;
- Mục số (15) ghi những thông tin mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án;
- Mục số (16) chữ ký hoặc điểm chỉ của người khởi kiện (người yêu cầu đơn phương ly hôn);
- Trường hợp người khởi kiện là người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp đó phải ký tên điểm chỉ.
- Trường hợp người khởi kiện, người đại diện hợp pháp không biết chữ, không nhìn được, không tự mình làm đơn khởi kiện, không tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì người có năng lực hành vi tố tụng dân sự đầy đủ làm chứng, ký xác nhận vào đơn khởi kiện.
Lưu ý: Nếu người khởi kiện không biết chữ thì phải có người làm chứng ký xác nhận theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư