Luật hôn nhân gia đình hiện hành tạo điều kiện cho nam, nữ có quyền tự do khi kết hôn mà không bị ràng buộc bởi bất kỳ yếu tố ngoại cảnh nào. Chỉ cần tuân thủ những điều kiện về độ tuổi, sự tự nguyện và đặc biệt không thuộc vào nhóm những trường hợp bị cấm kết hôn là đều được công nhận. Mục đích của việc quy định về những trường hợp cấm kết hôn nhằm đảm bảo cho việc kết hôn được diễn ra đúng pháp luật và phòng ngừa những hệ quả không đáng có trong quan hệ hôn nhân và cho cả xã hội.
Kết hôn giả tạo
Khoản 11 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình. Có thể hiểu việc đôi bên kết hôn nhưng không nhằm mục đích xác lập quan hệ vợ chồng đúng nghĩa mà dùng để thực hiện cho những mục đích khác.
Vì vậy mà điểm a khoản 2 Điều 5 xem đây là một trong những trường hợp bị cấm khi kết hôn. Nếu phát hiện được sự giả tạo trong kết hôn thì việc kết hôn đó bị xem là trái pháp luật.
Tảo hôn, cưỡng ép, lừa dối, cản trở kết hôn
Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định. Trường hợp này rõ ràng không đáp ứng được điều kiện về độ tuổi về kết hôn nên đương nhiên bị cấm.
Cưỡng ép kết hôn là hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn trái với ý muốn của họ. Điều này vi phạm về nguyên tắc sự tự nguyện trong việc xác lập quan hệ vợ chồng.
Luật hôn nhân gia đình hiện hành chưa có định nghĩa cụ thể về việc lừa dối trong kết hôn. Tuy nhiên định nghĩa này được giải thích tại khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP. Theo đó lừa dối kết hôn là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch và dẫn đến việc đồng ý kết hôn; nếu không có hành vi này thì bên bị lừa dối đã không đồng ý kết hôn.
Về việc cản trở kết hôn, đây là một cách thức xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tự do kết hôn của đôi bên. Khoản 10 Điều 3 xem đây là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này trái với ý muốn của họ. Vốn dĩ việc xác lập quan hệ vợ, chồng sẽ hoàn toàn do ý muốn của họ mà không bất kỳ chủ thể nào có quyền tác. Chính vì vậy nhằm bảo vệ cho cơ chế tự nguyện mà pháp luật đã xem việc cản trở hành vi là một trong những hành vi bị cấm.
Trường hợp đang có vợ hoặc chồng
Pháp luật hôn nhân và gia đình hiện hành thể hiện rõ việc người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.
Mối quan hệ đặc biệt
Luật cũng quy định rõ việc không cho phép kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa:
– Những người có cùng dòng máu về trực hệ;
– Những người có họ trong phạm vi ba đời;
– Cha, mẹ nuôi với con nuôi, người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi;
– Cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
Để tìm hiểu thêm về những quy định cụ thể của luật hôn nhân gia đình hiện hành về những trường hợp bị cấm kết hôn. Bạn có thể liên hệ với Phan Law Vietnam theo thông tin dưới đây để được hỗ trợ.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn