Ngày 16/11/2018 Chính phủ ban hành Nghị định 157/2018/NĐ-CP nhằm quy định mức lương tối thiểu vùng năm 2019. Nghị định áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó mức lương tối thiểu vùng năm 2019 sẽ từ 5-5,8% so với năm 2018, tương ứng với tăng từ 160.000 đồng đến 200.000 đồng.
“Điều 3. Mức lương tối thiểu vùng
- Quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp như sau:
- a) Mức 4.180.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I;
- b) Mức 3.710.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II;
- c) Mức 3.250.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III;
- d) Mức 2.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
…”
Khi xây dựng thang lương, bảng lương doanh nghiệp phải căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng hiện hành để quy định mức lương cho từng chức danh, công việc, nhóm công việc sao cho phù hợp với các nguyên tắc mà pháp luật quy định. Cụ thể:
– Mức lương thấp nhất của công việc, chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng;
– Mức lương thấp nhất của công việc, chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng;
– So với mức lương của công việc, chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường thì mức lương của công việc, chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc, chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7%.
Tuy nhiên, lương tối thiểu vùng tăng không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải làm lại thang lương bảng lương. Việc điều chỉnh hay không phụ thuộc vào thang bảng lương hiện tại của doanh nghiệp, có hai trường hợp như sau:
TH1: Mức lương thấp nhất của công việc giản đơn nhất trong thang, bảng lương hiện tại của doanh nghiệp bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng.
Trong trường hợp này, doanh nghiệp không bắt buộc phải điều chỉnh lại thang lương, bảng lương vì mức lương này đã đáp ứng điều kiện không thấp hơn lương tối thiểu vùng.
Có nhiều doanh nghiệp vẫn hay cho rằng đối với mức lương thấp nhất trong thang lương, bảng lương phải cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Nhưng thật ra, luật chỉ quy định là “không được thấp hơn” chứ không quy định mức lương này phải cao hơn lương tối thiểu vùng. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp khi xây dựng thang lương bảng lương, vẫn thường quy định mức lương này cao hơn mức lương tối thiểu vùng để phòng trường hợp cứ mỗi lần thay đổi mức lương tối thiểu vùng lại phải tiến hành điều chỉnh thang lương, bảng lương.
TH2: Mức lương thấp nhất của công việc giản đơn nhất trong thang, bảng lương hiện tại của doanh nghiệp thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Theo đó, khi có sự thay đổi về mức lương tối thiểu vùng và mức lương tối thiểu trong thang bảng lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng hiện tại thì doanh nghiệp cũng phải xây dựng lại thang bảng lương cho phù hợp với mức lương tối thiểu vùng năm 2019.
Đồng thời, doanh nghiệp phải thực hiện thông báo Thang lương, Bảng lương của mình với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội và thực hiện đăng ký điều chỉnh đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp với cơ quan bảo hiểm xã hội khi thay đổi mức lương của người lao động thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Những thông tin giải đáp cho câu hỏi Lương tối thiểu vùng năm 2019 tăng thì doanh nghiệp có bắt buộc phải điều chỉnh lại thang lương, bảng lương không trên đây hy vọng đã giúp quý Khách hàng có thêm thông tin về vấn đề này. Để được hỗ trợ tư vấn cụ thể hơn, bạn có thể trực tiếp trao đổi cùng đội ngũ luật sư của Phan Law Vietnam theo thông tin liên hệ dưới đây.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn