Ly thân nhưng chưa ly hôn ai được quyền nuôi con?
Ly thân là tình trạng khi vợ chồng không còn sống chung với nhau nhưng chưa thực hiện thủ tục ly hôn. Đây là giai đoạn mà hai người tạm thời chấm dứt nghĩa vụ sống chung do mâu thuẫn hoặc rạn nứt trong quan hệ tình cảm, nhưng vẫn duy trì quan hệ hôn nhân về mặt pháp lý.
Theo pháp Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam, hiện nay không có quy định cụ thể về ly thân. Điều này có nghĩa là ly thân không được coi là một sự kiện pháp lý làm chấm dứt quan hệ hôn nhân hợp pháp của một cặp vợ chồng. Bởi quan hệ vợ chồng chỉ chính thức chấm dứt khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án về việc ly hôn.
Trong thời gian ly thân, mặc dù không sống chung, vợ chồng vẫn phải thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ đối với nhau và đối với con cái, bao gồm việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con. Mọi hành vi như giấu không cho gặp mặt con hoặc tìm mọi cách cản trở quyền của người kia đều là vi phạm pháp luật.
Cụ thể, theo Điều 69 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định rõ về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ đối với con như sau:
1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
3. Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
4. Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 71 và Điều 72 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cũng nêu rõ về nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng và quyền giáo dục con của cả hai vợ như sau:
Điều 71. Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng
1. Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
…
Điều 72. Nghĩa vụ và quyền giáo dục con
1. Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập.
Cha mẹ tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận; làm gương tốt cho con về mọi mặt; phối hợp chặt chẽ với nhà trường, cơ quan, tổ chức trong việc giáo dục con.
2. Cha mẹ hướng dẫn con chọn nghề; tôn trọng quyền chọn nghề, quyền tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của con.
3. Cha mẹ có thể đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan giúp đỡ để thực hiện việc giáo dục con khi gặp khó khăn không thể tự giải quyết được.
Ai có quyền nuôi con khi ly hôn?
Theo Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 về việc việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn. Như vậy, cả cha và mẹ đều có quyền và nghĩa vụ trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa đủ 18 tuổi hoặc con đã trên 18 tuổi nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Cũng như, có thể tự thỏa thuận với nhau về người sẽ trực tiếp nuôi con cũng như mức cấp dưỡng cho con từ người không trực tiếp nuôi. Cụ thể:
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Do đó, nếu cha mẹ không thể thỏa thuận về quyền nuôi con, Tòa án sẽ xem xét và quyết định dựa trên các yếu tố sau:
- Tòa án sẽ xem xét khả năng tài chính của mỗi bên, bao gồm thu nhập, tài sản và nơi ở ổn định. Người có điều kiện kinh tế tốt hơn thường sẽ được ưu tiên nuôi con.
- Tòa án cũng xem xét khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con của mỗi bên. Người có thời gian và khả năng chăm sóc con tốt hơn sẽ được ưu tiên.
- Nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên, Tòa án sẽ xem xét nguyện vọng của con để quyết định ai sẽ là người trực tiếp nuôi con.
- Trẻ dưới 36 tháng tuổi thường được giao cho mẹ nuôi, trừ khi người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp chăm sóc con hoặc có thỏa thuận khác phù hợp cho con hơn.
- Ngoài các yếu tố trên, Tòa án còn xem xét các yếu tố khác như môi trường sống, mối quan hệ giữa con và cha mẹ và bất kỳ yếu tố nào khác có thể ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của con. Nếu một trong hai bên có hành vi bạo lực, nghiện ngập hoặc không có khả năng chăm sóc con, Tòa án sẽ xem xét để giao quyền nuôi con cho bên còn lại.
Trên đây là phần giải đáp pháp lý của Phan Law Vietnam. Nếu còn băn khoăn hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác Quý Khách hàng vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để được giải đáp.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư