Trong thời gian gần đây, dư luận xã hội rất phẫn nộ khi phát hiện nhiều hành vi bạo hành trẻ em, thậm chí dẫn đến tử vong. Cùng một số sự việc xảy ra tại gia đình bởi chính người thân của các bé, còn có rất nhiều sự việc xảy ra ở các nơi giữ trẻ. Ở góc độ pháp lý, đây là những hành vi vi phạm pháp luật và phải chịu những hình phạt thích đáng.
Qua những vụ người giữ trẻ bạo hành trẻ em cho thấy chuyện trẻ gặp nạn ở các trường mầm non, các điểm trông trẻ tự phát đã không còn là chuyện hiếm. Nó không chỉ để lại những nỗi ám ảnh trong ký ức tuổi thơ, cướp đi sinh mạng các bé, gây ra những đau thương mất mát cho phụ huynh, mà còn vang lên một hồi chuông báo động về tình người, về đạo đức của những giáo viên mầm non.
Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 thể hiện rõ quan điểm tôn trọng và bảo vệ các quyền trẻ em. Theo quy định tại Điều 14 của luật: “Trẻ em được gia đình, nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự” và Khoản 2 Điều 6 quy định “Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật”. Cụ thể hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ em là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 6 Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Hành vi này được hướng dẫn tại Điều 8 Nghị định 71/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số quy định của luật, bao gồm:
- Xâm phạm thân thể, đánh đập, đối xử tồi tệ đối với trẻ em; bắt trẻ em nhịn ăn uống, mặc rách, hạn chế vệ sinh cá nhân; giam hãm trẻ em; bắt trẻ em sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm;
- Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, xao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;
- Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em, làm trẻ em tổn thương, đau đớn để thể xác và tinh thần;
- Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương về tinh thần;
Theo quy định tại Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, những hành vi được liệt kê cụ thể như chỉ tay vào mặt quát tháo bắt trẻ tự bưng bát xúc ăn, dùng tay đè vào đỉnh đầu ghì toàn thân bé xuống sát đất, đập mạnh sống lưng, đầu và mông khi các bé bị nôn, hay đánh vào tay khi bé không chịu ăn, dùng khăn bịt mũi, bóp cổ, túm đầu các bé lắc mạnh… có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Pháp luật đã quy định hành vi bạo hành trẻ em sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với một trong các tội sau: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe đối với trẻ em theo điểm d khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự (BLHS) với mức phạt tù cao nhất là 3 năm; tội vô ý làm chết người theo khoản 1 Điều 98 BLHS với mức phạt tù cao nhất là 5 năm; tội giết trẻ em theo điểm C khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự với mức phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, người thực hiện hành vi hành hạ, ngược đãi đối với trẻ em còn phải bồi thường cho cha mẹ hoặc người giám hộ của các bé số tiền để bù đắp những tổn thất vật chất thực tế và tổn thất tinh thần.
Với những đau đớn, mất mát mà các bé và phụ huynh phải gánh chịu, số tiền bồi thường hay những hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật cũng không thể nào bù đắp được. Dù sao đây có thể là bài học để cảnh tĩnh những người đã và đang thực hiện những hành vi tàn nhẫn đối với trẻ em, qua đó hướng tới một xã hội tốt đẹp, trẻ em được yêu thương, được chăm sóc để phát triển toàn diện.
Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm sẽ là nơi để bạn đặt lòng tin khi có những vấn đề liên quan đến pháp lý cần được giải đáp. Mọi thắc mắc xin liên hệ ngay về cho chúng tôi.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn