Nhượng quyền thương mại và li-xăng là hai hình thức được sử dụng nhiều nhất trong hoạt động giao dịch với đối tượng sở hữu trí tuệ nói chung và các hoạt động kinh doanh khác nói chung. Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn thường hay nhầm lẫn hai hình thức này là một. Để bạn đọc có thể hiểu hơn về hai hình thức giao dịch này, Phan Law Vietnam xin chia sẻ một số thông tin pháp lý trong bài viết dưới đây.
Hoạt động nhượng quyền thương mại là gì?
Nhượng quyền thương mại được định nghĩa cụ thể nhất tại Điều 284 Luật Thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
- Việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
- Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
Nhượng quyền thương mại thực chất xuất hiện ở hầu hết mọi lĩnh vực mua bán, dịch vụ. Hoạt động nhượng quyền thương mại thường được xác lập bởi các loại hợp đồng như: Hợp đồng nhượng quyền thương mại; Hợp đồng nhượng quyền thương mại thứ cấp; Hợp đồng phát triển quyền thương mại.
Một đặc điểm chính của hoạt động nhượng quyền thương mại đó là phải cung cấp tài liệu hướng dẫn về hệ thống; Đào tạo ban đầu và cung cấp trợ giúp kỹ thuật thường xuyên cho thương nhân nhận quyền để điều hành hoạt động theo đúng hệ thống đã nhượng quyền; Thiết kế và sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ bằng chi phí của thương nhân nhận quyền… Ngoài ra, bên nhận quyền chỉ được chuyển quyền cho bên thứ ba nếu được sự đồng ý của bên nhượng quyền.
Hoạt động Li-xăng là gì?
Li-xăng có nguồn gốc từ từ “licensing” – cấp phép. Li-xăng là cách gọi thường thấy cho hoạt động cấp quyền từ chủ sở hữu một đối tượng sở hữu công nghiệp nào đó cho phép tổ chức cá nhân tổ chức khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp trong phạm vi quyền của mình. Theo quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 141 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019, việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản và được gọi chung là hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp.
Hoạt động li-xăng chỉ áp dụng cho các đối tượng sở hữu công nghiệp, trong đó quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, tên thương mại không được chuyển giao. Tương tự như nhượng quyền thương mại, thông thường li-xăng được xác lập thông qua ba loại hợp đồng chính đó là: Hợp đồng độc quyền; Hợp đồng không độc quyền; Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thứ cấp.
Đặc điểm chính của hoạt động Li-xăng đó là hướng đến việc sử dụng các giá trị cụ thể của các đối tượng sở hữu trí tuệ, chứ không tập trung vào hệ thống và vận hành thương hiệu như nhượng quyền thương mại. Vì đặc điểm này, có thể thấy hoạt động Li-xăng hạn chế đối tượng áp dụng và không bắt buộc về vấn đề hỗ trợ vận hành, kiểm soát bên nhận chuyển quyền trong quá trình hoạt động.
Trên đây là những thông tin pháp lý cơ bản đối với hai hình thức nhượng quyền thương mại và li-xăng. Mỗi hình thức đều mang những ưu và nhược điểm khác nhau, bạn nên tìm hiểu và cân nhắc kỹ để có thể khai thác, tận dụng triệt để lợi ích từ hình thức phù hợp.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn