Để tiếp cận thị trường, nâng cao quy mô công ty, các doanh nghiệp sẽ tiến hành thành lập các chi nhánh hay địa điểm kinh doanh mới. Việc thành lập chi nhánh hay địa điểm kinh doanh phụ thuộc vào nhu cầu và hoạt động đặc thù của doanh nghiệp. Để quý khách hàng dễ dàng hơn trong việc lựa chọn hai loại hình, bài viết này sẽ chỉ ra vấn đề phân biệt chi nhánh và địa điểm kinh doanh.
Khái niệm về chi nhánh và địa điểm kinh doanh
Khoản 1 điều 45 Luật doanh nghiệp 2014 quy định: “Chi nhánh, là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp”.
Khoản 3 điều 45 Luật doanh nghiệp 2014 quy định: “Địa điểm kinh doanh là nơi mà doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể”.
So sánh chi tiết chi nhánh và địa điểm kinh doanh
Giống nhau
– Chi nhánh và địa điểm kinh doanh đề là đơn vị phụ thuộc của một doanh nghiệp, nằm trong tổ chức hoạt động của một doanh nghiệp do đó không có tư cách pháp nhân.
– Chi nhánh và địa điểm kinh doanh hoạt động nhân danh chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc người đứng đầu tổ chức.
– Số lượng được lập dù là chi nhánh hay văn phòng đại diện cũng không hạn chế.
Khác nhau
Phạm vi thành lập
– Chi nhánh: Có thể được đặt tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
– Địa điểm kinh doanh: Chỉ được thành lập tại cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính
Quy định về con dấu
– Chi nhánh:
+ Được phép đăng ký và sử dụng con dấu riêng của mình.
+ Hội đồng quản trị quyết định số lượng, hình thức, nội dung và mẫu con dấu, việc quản lý, sử dụng con dấu của chi nhánh; trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác. Nội dung mẫu con dấu của chi nhánh phải có tên chi nhánh.
+ Trước khi sử dụng, thay đổi, hủy mẫu con dấu, thay đổi số lượng con dấu của chi nhánh thì công ty phải thực hiện thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi chi nhánh đặt trụ sở để đăng tải thông báo về mẫu con dấu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
– Địa điểm kinh doanh: Không được phép đăng ký và sử dụng con dấu riêng.
Tổ chức hạch toán, kế toán và kê khai thuế
– Chi nhánh: Có thể lựa chọn hạch toán phụ thuộc hoặc hạch toán độc lập với doanh nghiệp. Do đó, chi nhánh có thể có mã số thuế riêng, hóa đơn riêng trong trường hợp lựa chọn hạch toán độc lập.
– Địa điểm kinh doanh: Hoàn toàn phụ thuộc và trụ sở chính, hình thức kê khai thuế tập trung, sử dụng hóa đơn của công ty
Cơ cấu tổ chức và hoạt động
– Chi nhánh: Thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả việc thực hiện hoạt động kinh doanh và chức năng đại diện theo ủy quyền. Chính vì vậy, chi nhánh phát sinh thêm hoạt động báo cáo thuế như công ty (trừ chi nhánh phụ thuộc không phải lập báo cáo tài chính công ty cuối năm).
– Địa điểm kinh doanh:
+ Chỉ thực hiện hoạt động kinh doanh do doanh nghiệp chỉ đạo, không có chức năng đại diện theo ủy quyền.
+ Địa điểm kinh doanh là nơi mà doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể, không có các chức năng khác.
Như vậy, chúng tôi đã tóm lược những điểm nổi bật để bạn có thể phân biệt chi nhánh và địa điểm kinh doanh. Nếu có bất kỳ vấn đề thắc mắc về lĩnh vực pháp lý doanh nghiệp, hãy liên hệ với Phan Law Vietnam để được tư vấn và hướng dẫn chính xác nhất.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn