Vào ngày 18 tháng 2 vừa qua, cộng đồng mạng nhận được tin sốc trước những chia sẻ của Nam Em và Quế Vân trong buổi trò chuyện trực tiếp trên mạng xã hội. Trong cuộc trò chuyện, bộ đôi nữ người nổi tiếng này đã thu hút sự chú ý khi “vạch trần” những bí mật đen tối của showbiz. Tuy nhiên, Họ không tiết lộ danh tính cụ thể của những người liên quan mà chỉ mô tả các đặc điểm nhận dạng và đi kèm với những thông tin chưa qua xác minh, gây hoang mang cho mọi người xem livetream.
Chẳng hạn như, trong buổi trực tiếp, Nam Em tiết lộ về một “ngọc nữ” thường xuyên tiêu thụ chất kích thích hay một mỹ nhân từng có mối quan hệ với bạn trai hiện tại của cô. Cùng đó, Quế Vân cũng “khui” một nam diễn viên từng có hành động đạp đổ chén cơm của mình do cô không chấp nhận được mối quan hệ tình cảm với anh ta. Những thông tin này không chỉ tạo nên sự chấn động trong giới showbiz mà còn để lại những dấu hỏi lớn đối với cộng đồng mạng.


Trao đổi với phóng viên liên quan đến trường hợp Nam Em – Quế Vân, luật sư Hà Thị Kim Liên (Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam) cho biết trong trường hợp nội dung livestream không chỉ đích danh tên tuổi của bất kỳ người nào nhưng cố ý đưa ra các thông tin ám chỉ hoặc sự kiện, dữ liệu liên quan trực tiếp, gắn liền với người đó để mọi người dễ dàng phán đoán và biết chính xác người bị nhắc tới là ai, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của họ thì cũng có thể bị xem xét xử lý bằng các chế tài của pháp luật.
“Người bị ảnh hưởng bởi các thông tin không đúng sự thật có thể thu thập các chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm (ví dụ: lập vi bằng các lần livestream của chủ thể thực hiện hành vi vi phạm trong đó có các phát ngôn gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân) và yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”, luật sư Hà Thị Kim Liên nêu rõ.
Cũng theo luật sư, tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, chủ thể thực hiện hành vi vi phạm nêu trên có thể sẽ bị xử lý bằng các chế tài như Chế tài hành chính, Chế tài dân sự, Chế tài hình sự. Theo luật sư Hà Thị Kim Liên, nếu chủ thể hành vi vi phạm có hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống (Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015). Mức hình phạt thấp nhất của tội này là phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng. Mức hình phạt cao nhất phạt tù đến 7 năm.
Theo báo Thanh Niên – Tác giả: Thạch Anh


Cụ thể mức xử lý về Tội vu khống
Vu khống có thể được hiểu như việc sử dụng lời nói hoặc hành động để tác động đến danh dự cá nhân hoặc tổ chức. Trong Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi vào năm 2017, vu khống được mô tả cụ thể như các hành vi bịa đặt hoặc phổ biến thông tin biết rõ là không đúng để làm tổn hại danh dự, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người khác.
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
đ) Đối với người đang thi hành công vụ;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%[77];
h) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Vì động cơ đê hèn;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên[78];
c) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 156. Tội vu khống
Bên cạnh đó, tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP, quy định về vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội như sau:
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
c) Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;
d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;
đ) Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;
e) Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;
g) Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;
h) Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
Lưu ý: Mức phạt nêu trên là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức gấp đôi mức phạt cá nhân.