Thế nào là vi phạm bản quyền phát sóng?
Tại Điều 31 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022 đã quy định rất rõ các quyền của tổ chức phát sóng.
1. Tổ chức phát sóng có độc quyền thực hiện hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác thực hiện các quyền sau đây:
a) Phát sóng, tái phát sóng chương trình phát sóng của mình;
b) Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần bản định hình chương trình phát sóng của mình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;
c) Định hình chương trình phát sóng của mình;
d) Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng thông qua bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản định hình chương trình phát sóng của mình dưới dạng hữu hình, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.
2. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền đối với chương trình phát sóng và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền đối với chương trình phát sóng theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận trong trường hợp pháp luật không quy định, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, các điều 25, 25a, 26, 32 và 33 của Luật này.
3. Chủ sở hữu quyền đối với chương trình phát sóng không có quyền ngăn cấm tổ chức, cá nhân khác thực hiện các hành vi sau đây:
a) Sao chép chương trình phát sóng chỉ để thực hiện các quyền khác theo quy định của Luật này; sao chép tạm thời theo một quy trình công nghệ, trong quá trình hoạt động của các thiết bị để truyền phát trong một mạng lưới giữa các bên thứ ba thông qua trung gian hoặc sử dụng hợp pháp chương trình phát sóng, không có mục đích kinh tế độc lập và bản sao bị tự động xóa bỏ, không có khả năng phục hồi lại;
b) Phân phối lần tiếp theo, nhập khẩu để phân phối đối với bản định hình chương trình phát sóng đã được chủ sở hữu quyền thực hiện hoặc cho phép thực hiện việc phân phối.
Theo đó, tổ chức phát sóng có quyền độc quyền thực hiện hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác thực hiện các quyền sao chép toàn bộ hoặc một phần, quyền phát sóng, tái phát sóng chương trình đó. Như vậy, nếu bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khai thác, sử dụng một hoặc các quyền tài sản của chủ sở hữu tổ chức phát sóng nêu trên mà không được cho phép; hoặc trả tiền bản quyền thì có thể bị xem xét là hành vi xâm phạm quyền liên quan.


Xem thêm: Dịch vụ đăng ký bản quyền
Tuy nhiên, có vài trường hợp được quy định tại Điều 32 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022 về các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền liên quan được được phép sử dụng. Cụ thể:
1. Các trường hợp sử dụng cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền nhưng phải thông tin về cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng bao gồm:
a) Ghi âm, ghi hình trực tiếp một phần cuộc biểu diễn để giảng dạy không nhằm mục đích thương mại hoặc để đưa tin thời sự;
b) Tự sao chép hoặc hỗ trợ người khuyết tật sao chép một phần cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại;
c) Sao chép hợp lý một phần cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng để giảng dạy trực tiếp của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại, trừ trường hợp cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng này đã được công bố để giảng dạy;
d) Trích dẫn hợp lý nhằm mục đích đưa tin thời sự;
đ) Tổ chức phát sóng tự làm bản sao tạm thời để phát sóng khi được hưởng quyền phát sóng.
2. Việc sử dụng cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng quy định tại khoản 1 Điều này không được mâu thuẫn với việc khai thác bình thường cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Bên cạnh đó, một chương trình phát sóng có thể bao gồm nhiều đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, như quyền tác giả đối với kịch bản chương trình, tác phẩm sân khấu… Các tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính, tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên… cũng có quyền tài sản và quyền nhân thân nhất định đối với tác phẩm.
Việc sử dụng chương trình phát sóng mà không được phép hoặc không trả tiền bản quyền có thể bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả về quyền tài sản quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022.
Chia sẻ của Luật sư Phan Vũ Tuấn
Chương trình Gặp nhau cuối năm – Táo Quân 2025 được sản xuất và phát sóng bởi VTV nên đương nhiên được bảo hộ quyền liên quan theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.
Vấn đề xâm phạm bản quyền trên môi trường số vẫn đang là vấn đề nghiêm trọng, xảy ra với tần suất lớn nên rất cần sự quan tâm và chung tay giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền cùng cả cộng đồng.


Các hành vi vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ đã, đang và sẽ xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của các chủ thể quyền là các tổ chức, cá nhân đã đầu tư tài chính, đã bỏ công sức, sự sáng tạo để sản xuất và phát hành các chương trình truyền hình hấp dẫn, các tác phẩm được bảo hộ theo quy định pháp luật.
Với mức độ lan truyền mạnh mẽ của nền tảng số như hiện nay, các chủ thể quyền sẽ bị ảnh hưởng và thiệt hại rất lớn không chỉ về tài sản mà có thể ảnh hưởng đến cả quyền nhân thân bởi các hành vi xuyên tạc hay tác phẩm bị sử dụng tại các nền tảng không phù hợp.
Hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng được thực hiện dưới nhiều chiêu trò với sự trợ giúp của công nghệ nhằm thu hút người xem và nhiều mục đích sau đó. Người sử dụng nền tảng số phải thật sự cảnh giác, tỉnh táo và sáng suốt trong việc lựa chọn và sử dụng các nền tảng để tránh các thiệt hại đáng tiếc.
Cho nên, khi phát hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, căn cứ theo quy định tại Điều 198, 198b Luật Sở hữu trí tuệ và được hướng dẫn tại Điều 114 Nghị định 17/2023/NĐ-CP, VTV nói riêng và các chủ thể quyền nói chung có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Thứ nhất, yêu cầu bên thực hiện hành vi xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên nền tảng số, yêu cầu xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
- Thứ hai, liên hệ yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (Facebook, Youtube, Tiktok,…) hợp tác xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan để gỡ bỏ hoặc ngăn chặn truy cập tới nội dung vi phạm.
- Thứ ba, trường hợp bên thực hiện hành vi xâm phạm không hợp tác hoặc không đạt được thỏa thuận về việc bồi thường thiệt hại, xin lỗi, cải chính công khai, các chủ thể quyền hoàn toàn có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm hoặc khởi kiện ra tòa án để yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Với thực trạng xâm phạm bản quyền trên nền tảng số nghiêm trọng như hiện nay, các chủ thể quyền phải thật sự chú trọng đến các biện pháp bảo vệ quyền từ khi công bố tác phẩm và đặc biệt quyết liệt trong việc bảo vệ quyền khi phát hiện hành vi xâm phạm.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư