Tp. Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 6 năm 2023
THÔNG CÁO BÁO CHÍ
Về việc Ông Trương Minh Nhật là tác giả, đồng thời là chủ sở hữu bài thơ/lời bài hát Gánh Mẹ
Ngày 27/06/2023, Tòa án nhân dân cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh đã mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án “Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ” liên quan đến bài thơ/lời bài hát Gánh Mẹ.
Trước đó, vụ án đã được xét xử sơ thẩm tại Tòa án nhân dân Tp. Hồ Chí Minh. Theo Bản án sơ thẩm số 506/2022/KDTM-ST ngày 25/04/2022, Tòa án nhân dân Tp. Hồ Chí Minh đã nhận định “ông Nhật là tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm văn học là bài thơ Gánh Mẹ”; “ông Nhật là tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả của phần lời của tác phẩm âm nhạc là bản nhạc Gánh Mẹ”. Tuy nhiên, ông Đoàn Đông Đức (Nghệ danh Quách Beem) đã kháng cáo đối với toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, Hội đồng xét xử nhận định ông Đức kháng cáo cho rằng mình là tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả của bài hát Gánh Mẹ nhưng không có tài liệu, chứng cứ gì chứng minh ngoài những tài liệu, chứng cứ đã được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét, đánh giá. Do đó, Hội đồng xét xử không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của ông Đức.
Bằng việc tuyên xử của Tòa án nhân dân cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh, ông Nhật đã được công nhận là tác giả đồng thời là chủ sở hữu của bài thơ Gánh Mẹ và lời bài hát Gánh Mẹ.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 6 Điều 313 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, “bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án”. Như vậy, sau gần 04 năm, vụ án đã chính thức khép lại với quyền tác giả của bài thơ/lời bài hát Gánh Mẹ được trao trả về cho đúng chủ sở hữu – ông Trương Minh Nhật. Kể từ thời điểm này, mọi hành vi khai thác, sử dụng bài thơ Gánh Mẹ, lời bài hát Gánh Mẹ của các tổ chức, cá nhân đều phải được sự đồng ý của ông Nhật, trừ các trường hợp được pháp luật cho phép và phải đảm bảo quyền nhân thân, nêu tên ông Nhật là tác giả khi sử dụng bài thơ, lời bài hát Gánh Mẹ.
Trân trọng./.
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ PHAN LAW VIETNAM