Ly thân là gì?
Pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, từ thời điểm ra đời cho đến Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, không đề cập đến việc ly thân của vợ chồng.
Tuy nhiên, ở một số nước như Pháp, chế định về ly thân (Séparation de Corps) được ràng buộc tại Điều 296 của Bộ luật Dân sự. Theo đó, ly thân được hiểu là một trạng thái giảm độ gắn kết trong mối quan hệ vợ chồng, mà hệ quả là hủy bỏ nghĩa vụ sống chung giữa vợ và chồng, trong khi các nghĩa vụ khác như chung thủy và giúp đỡ vẫn được duy trì giữa hai bên.
Trong pháp luật Pháp, việc ly thân được xem xét thông qua thủ tục tại tòa án, dựa trên những căn cứ tương tự như việc ly hôn (bao gồm việc một bên hoặc cả hai bên đồng ý chấm dứt mối quan hệ). Tuy nhiên, việc ly thân chỉ có hiệu lực dựa trên quyết định của tòa án.
Trong pháp luật Anh, ly thân (Separation) được hiểu là việc đình chỉ quyền và nghĩa vụ sống chung vợ chồng, nhưng vẫn giữ lại nghĩa vụ chung thủy và không thể kết hôn. Theo đó, ly thân có thể là ly thân tư pháp (judicial separation) hoặc ly thân thuận ý (voluntary separation), thường được thực hiện qua việc ký kết chứng thư ly thân (separation deed). Mặc dù gần giống với pháp luật Pháp, nhưng pháp luật Anh mở rộng việc chấp nhận sự thuận ý ly thân của cả hai bên vợ, chồng thông qua chứng thư ly thân, không cần quyết định của tòa án.
Từ những khái niệm trên, ly thân được hiểu là một tình trạng mà vợ chồng vẫn giữ lại quan hệ hôn nhân nhưng không còn sống chung với nhau, tuy nhiên, các nghĩa vụ đối với con cái, tài sản và các cam kết khác vẫn còn hiệu lực, được công nhận bởi cơ quan có thẩm quyền theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên.
Cách viết đơn ly thân đúng luật:
Trên thực tế, tại Việt Nam, ly thân là một hiện tượng xã hội phổ biến nhưng pháp luật hôn nhân và gia đình chưa can thiệp. Có nhiều quan điểm khác nhau về điều này.
Quan điểm thứ nhất cho rằng ly thân là một nguyện vọng chính đáng và pháp luật cần có quy định về quyền ly thân pháp lý (ly thân có sự công nhận chính thức của Nhà nước và pháp luật) để bảo vệ phụ nữ và trẻ em tốt hơn.
Ngược lại, quan điểm thứ hai cho rằng việc quy định về ly thân sẽ tạo ra những hệ lụy đối với xã hội, xuất phát từ lý luận cho rằng đặc thù của văn hóa – xã hội Việt Nam đậm tính Á Đông, sẽ không dung hòa được quy định này.
Để bù đắp cho khoảng trống pháp luật nêu trên, Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam hiện hành cũng đã có một số quy định giúp cho vợ, chồng có sự thuận tiện hơn trong quá trình sống chung mà có xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến tình trạng ly thân, điển hình như: thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân (Điều 38) và thỏa thuận về việc không sống chung với nhau (Khoản 2 Điều 19).
Như vậy, nhìn chung, do không có quy định về ly thân, nên Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam cũng không ràng buộc về thể thức đơn ly thân. Hay chính xác hơn, có làm đơn ly thân thì cũng không có hiệu lực pháp luật.
Tuy nhiên, vợ, chồng đang ly thân có thể tham khảo cách viết văn bản thỏa thuận không sống chung với nhau hoặc thỏa thuận về việc chia tài sản chung.
Trường hợp viết thỏa thuận không sống chung, vợ, chồng chỉ cần lập văn bản, có tiêu đề biểu ngữ, ghi rõ ngày tháng năm, thông tin cá nhân vợ và chồng (ngày sinh, số CCCD, địa chỉ), lý do ly thân và thời gian ly thân, rồi cùng ký tên xác nhận và tự lưu lại, mỗi người giữ 01 bản.
Trường hợp viết thỏa thuận chia tài sản chung, vợ chồng phải lập văn bản có công chứng, chứng thực. Để nhanh nhất, vợ và chồng sẽ sử dụng mẫu văn bản của văn phòng công chứng, rồi ký tên và chứng thực nội dung theo hướng dẫn của công chứng viên.
Để biết thêm chi tiết về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng khi ly thân, Quý Khách hàng vui lòng liên hệ Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam theo thông tin dưới đây.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư