Bảo hộ tài sản sở hữu công nghiệp luôn là vấn đề nhức nhối trong thời đại phát triển kinh tế hiện nay. Nhà đầu tư bắt đầu có những quan tâm đúng mức hơn đối với quyền sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu công nghiệp của mình. Để giúp bạn đọc có cái nhìn chính xác hơn với những đối tượng được bảo hộ sở hữu công nghiệp, Phan Law Vietnam xin được chia sẻ một số nội dung pháp lý phù hợp trong bài viết dưới đây.
Hiện tại có ba đối tượng bảo hộ sở hữu công nghiệp tương đối phổ biến đó là nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý. Tất cả các đối tượng này đều được quy định cụ thể, rõ ràng tại Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản pháp lý liên quan.
Nhãn hiệu thương mại là gì?
Theo định nghĩa tại khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019, Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Ngoài nhãn hiệu nói chung, pháp luật còn quy định thêm về một số loại nhãn hiệu đặc biệt khác như: Nhãn hiệu tập thể; Nhãn hiệu chứng nhận; Nhãn hiệu liên kết và nhãn hiệu nổi tiếng. Như định nghĩa, chức năng chính của nhãn hiệu là để phân biệt hàng hóa, dịch vụ giữa các đơn vị với nhau.
Để nhãn hiệu thương mại của mình được bảo hộ, trước hết bạn cần đảm bảo nhãn hiệu là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc và phải có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác. Sau đó, bạn tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ. Nhãn hiệu được bảo hộ trong thời gian 10 năm trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam, bạn có thể thực hiện chuyển nhượng hoặc chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu đã được bảo hộ như một đối tượng thương mại. Cần lưu ý đối với nhãn hiệu sau khi đăng ký bảo hộ thành công, nếu bạn không sử dụng liên tục từ 05 năm trở lên thì quyền sử dụng nhãn hiệu đó bị chấm dứt.
Tên thương mại là đối tượng như thế nào?
Tương tự như nhãn hiệu, tên thương mại cũng là một đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Theo định nghĩa tại khoản 21 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019:“Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.”
Tên thương mại thường bị nhầm lẫn với nhãn hiệu, tuy nhiên bạn chỉ cần nhớ rằng pháp luật bảo hộ tên thương mại dưới dấu hiệu từ ngữ (tập hợp các chữ, phát âm được và có nghĩa), không bảo hộ màu sắc, hình ảnh như nhãn hiệu. Một điểm khá đặc biệt nữa chính là tính tự động bảo hộ đối với tên thương mại; theo đó bạn không cần phải tiến hành bất kỳ thủ tục pháp lý nào mà tên thương mại sau khi được thành lập công ty và sử dụng sẽ được tự động bảo hộ nếu đáp ứng được ba điều kiện:
- Chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng.
- Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
- Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng.
Đối với tên thương mại, pháp luật sẽ bảo hộ không xác định thời hạn, cho đến khi không còn sử dụng trên thực tế. Chủ sở hữu tên thương mại nếu muốn chuyển nhượng tên thương mại cần phải chuyển nhượng kèm theo cơ sở sản xuất, doanh nghiệp gắn liền với nó.
Một số điều cần biết về chỉ dẫn địa lý
Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Chỉ dẫn địa lý là đối tượng được bảo hộ vô hạn trên lãnh thổ Việt Nam sau khi đã đăng ký bảo hộ thành công. Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu không thuộc Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý quy định tại Điều 80 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 và đáp ứng được các điều kiện dưới đây:
- Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý.
- Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.
Chỉ dẫn địa lý không được chuyển nhượng, không được chuyển quyền sử dụng vì về bản chất Chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý của Việt Nam là Nhà nước.
Trên đây là một số thông tin pháp lý để bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về ba đối tượng sở hữu công nghiệp hết sức quan trọng hiện nay. Bạn có thể tham khảo các nội dung liên quan ở các bài viết khác thông qua trang https://phan.vn hoặc trực tiếp liên hệ với Phan Law Vietnam để được hỗ trợ giải đáp thắc mắc nhanh chóng và hiệu quả nhất.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn