Người lao động nước ngoài là một trong những thành phần quan trọng của thị trường lao động tại Việt Nam. Tuy nhiên vì có sự khác biệt trong một vài yếu tố mà người lao động nước ngoài muốn làm việc tại môi trường này cần đáp ứng một số điều kiện về các giấy tờ có liên quan. Trong đó nổi bật nhất chính là: visa, thẻ tạm trú và giấy phép lao động.
Thị thực (Visa)
Định nghĩa: Visa là cách gọi phổ biến của thị thực, là thuật ngữ chuyên ngành dùng để chỉ loại giấy tờ cho phép người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam. Cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài gồm cơ quan đại diện hoặc cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự.
Điều kiện: Để được cấp thị thực thì người nước ngoài nói chung và người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nói riêng phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 10 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014. Những điều kiện đó bao gồm:
– Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
– Có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 17 của Luật này.
– Không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 của Luật này.
Trong một số trường hợp thì người nước ngoài cần có thêm giấy tờ chứng minh mục đích nhập cảnh. Những trường hợp đó bao gồm :
– Người nước ngoài vào đầu tư phải có giấy tờ chứng minh việc đầu tư tại Việt Nam theo quy định của Luật đầu tư
– Người nước ngoài hành nghề luật sư tại Việt Nam phải có giấy phép hành nghề theo quy định của Luật luật sư
– Người nước ngoài vào lao động phải có giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật lao động
– Người nước ngoài vào học tập phải có văn bản tiếp nhận của nhà trường hoặc cơ sở giáo dục của Việt Nam.
Thời hạn: Có nhiều loại thị thực khác nhau và mỗi loại thị thực sẽ có thời hạn theo quy định. Nhưng với người lao động nước ngoài thì cần lưu ý về thời hạn đối với các loại thị thực sau:
– Thị thực DN (Cấp cho người vào làm việc với doanh nghiệp tại Việt Nam): không quá 12 tháng
– Thị thực LĐ (Cấp cho người vào lao động): không quá 02 năm
Thời hạn thị thực ngắn hơn thời hạn hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế ít nhất 30 ngày. Tuy nhiên khi hết thời hạn thì thị thực có thể được xem xét và cấp mới.
Thẻ tạm trú
Định nghĩa: Cũng theo định nghĩa tại khoản 13 Điều 3 Luật này thì thẻ tạm trú là loại giấy tờ do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao cấp cho người nước ngoài được phép cư trú có thời hạn tại Việt Nam và có giá trị thay thị thực. Cơ quan có thẩm quyền cấp loại giấy tờ này là cơ quan quản lý xuất nhập cảnh nơi cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh đặt trụ sở hoặc nơi cá nhân mời, bảo lãnh cư trú.
Điều kiện: Để được xem là có đủ điều kiện xem xét cấp thẻ tạm trú thì chủ thể đó phải thuộc một trong những trường hợp sau (Điều 36):
– Người nước ngoài là thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức liên chính phủ tại Việt Nam và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ được cấp thẻ tạm trú ký hiệu NG3
– Người nước ngoài được cấp thị thực có ký hiệu LV1, LV2, ĐT, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ, TT được xét cấp thẻ tạm trú có ký hiệu tương tự ký hiệu thị thực
Thời hạn: Thẻ tạm trú có ký hiệu LĐ có thời hạn không quá 02 năm.
Giấy phép lao động
Định nghĩa: Đây được xem là văn bản cho phép người nước ngoài làm việc một cách hợp pháp tại Việt Nam. Công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động sẽ bị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam theo quy định của Chính phủ. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lao động là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc
Điều kiện: Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 11/2016/NĐ-CP thì điều kiện để được cấp giấy phép lao động bao gồm:
– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.
– Có sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc.
– Là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật.
– Không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài.
– Được chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng người lao động nước ngoài.
Thời hạn: Thời hạn của giấy phép lao động theo Điều 173 Bộ luật lao động 2012 tối đa là 02 năm.
Trên đây là những tư vấn của Phan Law Vietnam về những loại giấy tờ của NLĐ nước ngoài cần quan tâm khi có ý định tham gia vào thị trường Việt Nam. Nếu cần hỗ trợ, bạn có thể liên hệ trực tiếp theo thông tin dưới đây.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – 1900.599.995
Email: info@phan.vn