Quảng cáo là cách để doanh nghiệp có thể giúp người tiêu dùng hình dung cơ bản về sản phẩm, dịch vụ một cách hiệu quả nhất. Từ đó có thể dễ dàng đưa sản phẩm vào thị trường và mang lại những lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên trong một số trường hợp các doanh nghiệp lại lạm dụng quảng cáo để đưa đến những thông tin không đúng với sự thật gây hoang mang cho giới tiêu dùng. Theo quy định thì đây là một trong những hành vi vi phạm và sẽ bị xử phạt tùy theo từng mức độ.
Xử phạt hành chính
Theo quy định tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo thì việc quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính theo hai trường hợp sau đây:
– Khoản 5 Điều 51: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 68, Điểm c Khoản 3 Điều 69, Điểm a Khoản 2 Điều 72, Điểm b Khoản 1 Điều 75 và Khoản 1 Điều 78 Nghị định này
+ Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 68, Điểm a Khoản 3 Điều 69 và Khoản 4 Điều 70 Nghị định này;
- Khoản 1 Điều 78: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo sai sự thật về bản chất, công dụng, chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của thức ăn chăn nuôi.
Tùy theo hành vi mà doanh nghiệp có thể bị xử lý hành chính trong hai trường hợp trên với những tính chất và mức độ khác nhau.
Xử lý hình sự
Việc quảng cáo sai sự thật có tính chất gian dối ngoài việc bị xử lý hành chính thì chủ thể còn có thể bị xử lý hình sự nếu có tính chất nghiêm trọng. Điều 197 Bộ luật hình sự 2015 quy định về vấn đề này cụ thể như sau:
– Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
– Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy việc quảng cáo sai sự thật, gian đối có thể khiến doanh nghiệp bị áp dụng những hình thức xử lý nặng nề và có thể gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh. Vì vậy để có cách thức quảng cáo chính xác nhất và tránh những sai phạm, bạn nên tìm hiểu kỹ bằng cách liên hệ với Phan Law Vietnam để được hướng dẫn chi tiết.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn