Trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật để sa thải người lao động trái với quy định của pháp luật. Vậy trong trường hợp nào người sử dụng lao động được quyền sa thải người lao động?
Định nghĩa sa thải người lao động
Sa thải là việc người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do lỗi của người lao động gây ra. Theo Điều 125 Bộ luật Lao động, có ba hình thức xử lý kỷ luật lao động bao gồm:
– Khiển trách – Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng; cách chức.
– Sa thải Như vậy, hình thức sa thải người lao động là hình thức xử lý nặng nhất trong 3 cách nêu trên. Để bảo vệ quyền lợi của người lao động vì liên quan trực tiếp đến người lao động, Điều 126 Bộ luật Lao động 2012 đã quy định cụ thể những trường hợp sau đây doanh nghiệp được phép sa thải người lao động:
– Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;
– Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.
– Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.
Những trường hợp mà doanh nghiệp được quyền sa thải người lao động kể trên phải được quy định rõ trong nội quy lao động của công ty để đảm bảo người lao động biết và hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình.
Trình tự sa thải người lao động
Không phải trong bất cứ trường hợp nào doanh nghiệp cũng có quyền sa thải người lao động, việc sa thải này phải thực hiện đúng theo quy định về trình tự việc xử lý kỷ luật lao động tại Điều 123 Bộ luật Lao động 2012 như sau:
– Doanh nghiệp phải chứng minh được đây là lỗi của người lao động; – Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở;
– Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ người khác bào chữa hoặc nhờ luật sư. Việc sa thải người lao động phải lập thành biên bản.
Doanh nghiệp cần lưu ý thời gian sa thải lao động tối đa là 06 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm, nếu hết thời hiệu này, doanh nghiệp không được quyền sa thải người lao động.
Hành vi sa thải người lao động trái pháp luật
Bên cạnh việc phải đáp ứng quy định về những trường hợp được sa thải người lao động, doanh nghiệp còn phải bảo đảm việc thực hiện đúng trình tự sa thải theo luật định. Nhưng trong một số trường hợp nhất định, doanh nghiệp không thực hiện đúng những yêu cầu trên, dẫn đến việc sa thải trái pháp luật.
Trong tình huống sa thải người lao động trái pháp luật, doanh nghiệp không vi phạm pháp luật mà còn xâm phạm đến quyền lợi của người lao động. Khi rơi vào tình huống này, người lao động có thể gửi đơn trực tiếp hoặc thông qua tổ chức công đoàn để thực hiện thủ tục khiếu nại lãnh đạo doanh nghiệp và yêu cầu thực hiện đúng với những gì đã ký trong hợp đồng lao động và nội quy lao động. Nếu việc khiếu nại không đem lại kết quả khả quan, người lao động có thể nộp đơn đề nghị đến Phòng Lao động thương binh và xã hội của địa phương để giải quyết mà không cần thông qua hòa giải.
Theo quy định của pháp luật, thời hiệu đối với trường hợp yêu cầu hòa giải là 6 tháng và 1 năm đối với yêu cầu khởi kiện, bắt đầu kể từ ngày người lao động bị sa thải trái pháp luật. Sa thải người lao động là hình thức xử lý kỷ luật nặng nhất trong doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và tâm lý người lao động. Vì thế, việc nắm rõ những quy định này là hết sức cần thiết vì không chỉ giúp doanh nghiệp thực hiện đúng yêu cầu pháp luật mà còn giúp người lao động bảo vệ quyền lợi của mình.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.88888
Email: info@phan.vn