Điều kiện thành lập doanh nghiệp là gì?
Thành lập doanh nghiệp là một quá trình pháp lý quan trọng để khởi đầu hoạt động kinh doanh một cách hợp pháp. Việc thành lập doanh nghiệp cần tuân theo các quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản pháp luật liên quan. Dưới đây là những điều kiện cơ bản cần đáp ứng khi thành lập doanh nghiệp:
Chủ thể thành lập doanh nghiệp
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, không phải ai cũng có quyền thành lập doanh nghiệp. Những cá nhân, tổ chức có thể thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam bao gồm:
- Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
- Tổ chức được thành lập hợp pháp tại Việt Nam.
- Nhà đầu tư nước ngoài có quyền thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tuân thủ quy định pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.
Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;
c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;
d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;
g) Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Ngành nghề kinh doanh
Doanh nghiệp chỉ được kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Ngành nghề kinh doanh được chia thành:
- Ngành nghề kinh doanh có điều kiện: Để hoạt động kinh doanh trong các ngành nghề này, doanh nghiệp cần phải đáp ứng các điều kiện nhất định như giấy phép, chứng chỉ hành nghề, và các yêu cầu khác (ví dụ: kinh doanh bất động sản, vận tải, giáo dục, y tế, tài chính,…).
- Ngành nghề kinh doanh không có điều kiện: Đây là các ngành nghề mà doanh nghiệp có thể hoạt động tự do sau khi đăng ký kinh doanh, mà không cần thêm giấy phép hay điều kiện đặc biệt.
Doanh nghiệp cần đăng ký mã ngành nghề kinh doanh phù hợp với hệ thống mã ngành kinh tế Việt Nam khi làm thủ tục thành lập.
Tên doanh nghiệp
Tên doanh nghiệp là yếu tố bắt buộc khi thành lập và phải tuân thủ các quy định cụ thể tại Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2022 như sau:
1. Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:
a) Loại hình doanh nghiệp;
b) Tên riêng.
2. Loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.
3. Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
4. Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
5. Căn cứ vào quy định tại Điều này và các điều 38, 39 và 41 của Luật này, Cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền từ chối chấp thuận tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp.
Như vậy, có thể thấy tên doanh nghiệp cần phải đáp ứng các điều kiện:
- Tên doanh nghiệp không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký.
- Tên doanh nghiệp không được vi phạm các quy định về đạo đức xã hội, truyền thống văn hóa và không sử dụng các từ ngữ nhạy cảm.
- Tên doanh nghiệp phải gồm hai thành tố: loại hình doanh nghiệp (Công ty TNHH, Công ty Cổ phần,…) và tên riêng. Ví dụ: Công ty TNHH Thương mại ABC.
- Tên viết tắt và tên tiếng Anh cũng cần được kiểm tra tránh trùng lặp với các doanh nghiệp đã đăng ký trước đó.
Trụ sở chính của doanh nghiệp
Doanh nghiệp cần có một địa chỉ trụ sở chính rõ ràng và nằm trên lãnh thổ Việt Nam, có thông tin cụ thể về số nhà, tên đường, phường/xã, quận/huyện, tỉnh/thành phố. Trụ sở này không được là nhà chung cư chỉ có mục đích sử dụng để ở. Điều này đảm bảo rằng doanh nghiệp có nơi giao dịch hợp pháp và được chính quyền địa phương quản lý.
Vốn điều lệ
Vốn điều lệ là số vốn mà các thành viên, cổ đông cam kết đóng góp cho công ty và được ghi nhận trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Vốn điều lệ sẽ ảnh hưởng đến các quyền lợi và trách nhiệm của thành viên, cổ đông trong công ty. Pháp luật hiện hành không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu, ngoại trừ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện (ví dụ: bảo hiểm, tài chính, ngân hàng).
Doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ mức vốn điều lệ đăng ký vì:
- Vốn điều lệ ảnh hưởng đến quyền lợi và trách nhiệm của các thành viên, cổ đông.
- Quy mô hoạt động và uy tín của doanh nghiệp cũng phần nào được phản ánh qua mức vốn điều lệ.
Quy định về thủ tục của luật thành lập doanh nghiệp như thế nào?
Hồ sơ thành lập doanh nghiệp
Hồ sơ thành lập doanh nghiệp cần được chuẩn bị đầy đủ và đúng quy định. Các tài liệu cần có bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo mẫu.
- Điều lệ công ty (với các công ty TNHH và công ty cổ phần).
- Danh sách thành viên hoặc cổ đông (nếu là công ty TNHH hoặc công ty cổ phần).
- Giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu) của người đại diện theo pháp luật và các thành viên, cổ đông sáng lập.
- Chứng chỉ hành nghề hoặc các giấy tờ khác đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Thủ tục của luật thành lập doanh nghiệp
Trình tự thủ tục của luật thành lập doanh nghiệp được thực hiện thông qua các bước sau đây:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo hướng dẫn ở trên, bạn mang hồ sơ đến nộp tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính nếu có thời gian. Nếu không nộp trực tiếp được, bạn có thể gửi hồ sơ qua đường bưu điện đến địa chỉ phòng Đăng ký kinh doanh có thẩm quyên. Ngoài ra, hiện nay để giúp người dân thuận tiện hơn trong việc làm thủ tục giấy tờ, nhà nước đã hỗ trợ đăng ký qua cổng thông tin điện tử trực tuyến.
Bước 2: Xử lý hồ sơ
Sau khi nhận được hồ sơ của bạn, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ xem xét và xử lý hồ sơ trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ. Nếu hồ sơ không hợp lệ, thì Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho bạn để bổ sung.
Trong trường hợp bạn bị từ chối đăng ký doanh nghiệp thì sẽ được thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Bước 3: Nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Nếu hồ sơ hợp lệ, doanh nghiệp sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chính thức công nhận sự tồn tại hợp pháp của doanh nghiệp tư nhân.
Trên đây là phần giải đáp pháp lý của Phan Law Vietnam. Nếu còn băn khoăn hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác Quý Khách hàng vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để được giải đáp.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư