Công ty mẹ, công ty con là những khái niệm đi liền với các tổ chức kinh tế, tập đoàn kinh tế lớn. Đối với quá trình hoạt động của các tổ chức, tập đoàn này, cần thiết phải tạo ra chuỗi các công ty để đảm bảo được hết những lĩnh vực hoạt động, cũng như tạo nên cơ cấu quản lý hệ thống kinh doanh của mình tốt nhất. Cùng tìm hiểu về mối liên hệ giữa công ty mẹ và công ty con trong bài viết dưới đây của Phan Law Vietnam.
Định nghĩa công ty mẹ và công ty con.
Như đã giới thiệu ở trên, công ty mẹ và công ty con là những khái niệm tồn tại trong hệ thống các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty thuộc các thành phần kinh tế. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty không phải là một loại hình doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp và có mối quan hệ với nhau thông qua sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc liên kết khác.
Theo định nghĩa tại khoản 1 Điều 189 Luật DN, Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó;
- Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;
- Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.
Quyền và trách nhiệm của công ty mẹ đối với công ty con
Với mối liên hệ đặc biệt như vậy, pháp luật có liệt kê và quy định cụ thể Quyền và trách nhiệm của công ty mẹ đối với công ty con tại Điều 190 Luật Doanh nghiệp bao gồm:
Thứ nhất, tùy thuộc vào loại hình pháp lý của công ty con, công ty mẹ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên, chủ sở hữu hoặc cổ đông trong quan hệ với công ty con.
Thứ hai, công ty mẹ và công ty con đều là doanh nghiệp độc lập, vì vậy hợp đồng, giao dịch và quan hệ khác giữa công ty mẹ và công ty con đều phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với các chủ thể pháp lý độc lập.
Thứ ba, trong trường hợp công ty mẹ can thiệp ngoài thẩm quyền của chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông và buộc công ty con phải thực hiện hoạt động kinh doanh trái với thông lệ kinh doanh bình thường hoặc thực hiện hoạt động không sinh lợi mà không đền bù hợp lý trong năm tài chính có liên quan, gây thiệt hại cho công ty con thì công ty mẹ và Người quản lý của công ty mẹ phải liên đới chịu trách nhiệm về thiệt hại đó. Nếu công ty mẹ không đền bù cho công ty con theo quy định thì chủ nợ hoặc thành viên, cổ đông có sở hữu ít nhất 1% vốn điều lệ của công ty con có quyền nhân danh chính mình hoặc nhân danh công ty con đòi công ty mẹ đền bù thiệt hại cho công ty con.
Thứ tư, trường hợp công ty mẹ can thiệp ngoài thẩm quyền của chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông và buộc công ty con phải thực hiện hoạt động kinh doanh trái với thông lệ kinh doanh bình thường hoặc thực hiện hoạt động không sinh lợi gây thiệt hại cho công ty con mà không đền bù trong năm tài chính có liên quan; trong khi đó hành động kinh doanh này lại đem lại lợi ích cho công ty con khác của cùng một công ty mẹ thì công ty con được hưởng lợi đó phải liên đới cùng công ty mẹ hoàn trả khoản lợi được hưởng đó cho công ty con bị thiệt hại.
Trên đây là các thông tin ràng buộc về quyền và trách nhiệm của công ty mẹ theo pháp luật đối với công ty con. Chi tiết nhất về vấn đề này bạn có thể trao đổi cùng Phan Law thông qua:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn