Tài sản riêng của vợ chồng là gì?
Trong cuộc sống hôn nhân, vấn đề tài sản luôn là một trong những yếu tố quan trọng cần được làm rõ để đảm bảo quyền lợi của cả hai bên.
Theo quy định tại Điều 43 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng. Có thể hiểu:
– Tài sản có trước khi kết hôn: Đây là những tài sản mà mỗi người đã sở hữu trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Ví dụ như nhà cửa, đất đai, xe cộ, tiền tiết kiệm, v.v.
– Tài sản được thừa kế riêng: Trong thời kỳ hôn nhân, nếu một bên vợ hoặc chồng nhận được tài sản từ việc thừa kế mà không có điều kiện chia sẻ với người kia, thì tài sản đó được coi là tài sản riêng.
– Tài sản được tặng cho riêng: Tương tự như tài sản thừa kế, nếu một bên nhận được quà tặng mà không có điều kiện chia sẻ, thì đó cũng là tài sản riêng.
– Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.
– Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.
– Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.
Ngoài ra, tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Tài sản riêng của vợ chồng khi thế chấp có cần hỏi ý kiến của nhau không?
Theo khoản 1 Điều 44 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, vợ hoặc chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản riêng của mình mà không cần sự đồng ý của người kia. Điều này có nghĩa là người sở hữu tài sản riêng có toàn quyền quyết định về việc sử dụng, bán, cho thuê, hoặc thế chấp tài sản đó.
Mặc dù luật pháp cho phép vợ hoặc chồng tự quyết định về tài sản riêng, nhưng có một số trường hợp ngoại lệ nhằm bảo vệ quyền lợi và sự ổn định của gia đình. Cụ thể, nếu tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình, việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng quy định tại khoản 4 Điều 44. Điều này nhằm tránh tình trạng một bên tự ý định đoạt tài sản quan trọng mà không xem xét đến nhu cầu sống của cả gia đình.
4. Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ.
Ngoài ra, tại Điều 30 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định rõ việc vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên.
Bên cạnh đó, tại Điều 31 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định về giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng thì trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng mà nhà ở đó là nơi ở duy nhất của vợ chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng.
Do đó, có thể thấy dù đó có là tài sản riêng của vợ hoặc chồng, nhưng nó là nguồn sống duy nhất của gia đình hoặc là nơi ở duy nhất của vợ chồng thì khi mang đi giao dịch thuế chấp phải có sự đồng ý của bên còn lại.
Trên đây là giải đáp pháp lý của Phan Law Vietnam. Nếu Quý Khách hàng có bất kỳ thắc mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua thông tin sau để được giải đáp.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư