Doanh nghiệp khi muốn mở rộng quy mô, thị trường hoạt động, phát triển kinh doanh có thể thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tùy theo mục đích. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp (xem thêm Điều 45 Luật Doanh nghiệp 2014).
Thông báo thành lập chi nhánh
Theo quy định tại Điều 46 Luật Doanh nghiệp và Điều 33 Nghị định số 78/2015 khi doanh nghiệp thành lập chi nhánh thì phải hồ sơ đăng ký hoạt động của chi nhánh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền nơi doanh nghiệp đặt chi nhánh. Đây là thủ tục bắt buộc để cơ quan nhà nước có thể quản lý hoạt động của các doanh nghiệp, chi nhánh trên thị trường.
Thủ tục thành lập chi nhánh phải làm những thủ tục gì?
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.
Hồ sơ đăng ký hoạt động chi nhánh gồm:
- Mã số doanh nghiệp;
- Tên và địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
- Tên chi nhánh, văn phòng đại diện dự định thành lập;
- Địa chỉ trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện;
- Nội dung, phạm vi hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện;
- Thông tin đăng ký thuế;
- Họ, tên; nơi cư trú, số Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác quy định tại Điều 10 Nghị định này của người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện;
- Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Kèm theo thông báo quy định tại khoản này, phải có:
- Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của chủ sở hữu công ty hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần, của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh về việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện;
- Bản sao hợp lệ quyết định bổ nhiệm người đứng đầu chi nhánh văn phòng đại diện;
- Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định tại Điều 10 Nghị định này của người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện.
Bước 2: Nộp hồ sơ tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt chi nhánh.
Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ; nếu từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh thì thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết. Thông báo phải nêu rõ lý do; các yêu cầu sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Bước 3: Nhận kết quả giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh.
Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh phải gửi thông tin cho Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính và gửi thông tin đăng ký hoạt động chi nhánh cho cơ quan thuế, cơ quan thống kê trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh; định kỳ gửi thông tin đăng ký hoạt động chi nhánh cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt chi nhánh.
Như vậy, doanh nghiệp muốn thành lập chi nhánh phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh với Phòng đăng ký kinh doanh. Thủ tục thành lập chi nhánh hiện nay khá đơn và nhanh chóng. Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải đăng ký thông tin về việc thành lập chi nhánh đối với cơ quan thuế.
Trên đây là toàn bộ nội dung chúng tôi muốn chia sẻ cùng bạn, nếu có nhu cầu tư vấn, hỗ trợ các dịch vụ pháp lý liên quan Quý khách hàng có thể liên hệ trực tiếp với Phan Law qua thông tin dưới đây:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn