Khi bước chân vào lĩnh vực kinh doanh, việc thành lập một công ty là một cột mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển và tăng trưởng của một doanh nghiệp. Quá trình này không chỉ yêu cầu ý tưởng kinh doanh độc đáo mà còn đòi hỏi sự hiểu biết vững vàng về các thủ tục pháp lý cũng như yêu cầu của thị trường. Vậy nếu muốn thành lập công ty cổ phần thì cần những gì? Hãy cùng đi vào chi tiết và tìm hiểu những yếu tố quan trọng cần thiết để thành lập một công ty cổ phần thành công trong bài viết dưới đây.
Công ty cổ phần là gì?
Tại Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về công ty cổ phần có các đặc điểm cụ thể như sau:
Thứ nhất, Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
- Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
- Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
- Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
- Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.
Thứ hai, Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Thứ ba, Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.
Như vậy, chúng ta có thể hiểu nếu muốn thành lập công ty cổ phần cần phải có ít nhất 3 cổ đông trở lên và không hạn chế số lượng cổ đông tối đa. Cổ đông phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Tuy nhiên, công ty cổ phần có khả năng huy động vốn linh hoạt do được phép phát hành các loại chứng khoán như cổ phiếu, trái phiếu…Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác.
Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định “Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông sáng lập dự định chuyển nhượng cổ phần phổ thông thì không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng cổ phần đó.”. Cho nên, cổ đông được tự do chuyển nhượng cổ phần của mình, không bị hạn chế chuyển nhượng trừ 2 trường hợp sau:
- Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần cho người khác không phải là cổ đông sáng lập phải được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận.
- Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác.
Hồ sơ thành lập công ty cổ phần
Theo Điều 22 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về hồ sơ thành lập công ty cổ phần và được hướng dẫn cụ thể tại Quyết định 855/QĐ-BKHĐT năm 2021, cụ thể như sau:
– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
– Điều lệ công ty.
– Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.
– Bản sao các giấy tờ sau đây:
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;
- Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với cổ đông là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức. Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.
Lưu ý: Có 3 hình thức đăng ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh theo hướng dẫn tại Quyết định 855/QĐ-BKHĐT năm 2021, bao gồm:
- Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh;
- Đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính;
- Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
Thủ tục thành lập công ty cổ phần
Trình tự, thủ tục thành lập công ty cổ phần được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo hướng dẫn ở phần trên, người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu tiện tới Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đăng ký nộp hồ sơ online trên Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết
Khi nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận. Trường hợp nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Còn trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ thông báo bằng văn bản.
Lưu ý: Nếu nộp qua mạng thì sau khi hoàn thành việc gửi hồ sơ đăng ký, người đại diện theo pháp luật sẽ nhận được Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử.
Bước 3: Nhận kết quả
Sau 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ doanh nghiệp sẽ nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Lệ phí đăng ký:
- 50.000 đồng/lần đối với hồ sơ nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
- Miễn lệ phí đối với hồ sơ đăng ký qua mạng điện tử.
Dịch vụ pháp lý tại Phan Law Vietnam
Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam là đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý hỗ trợ cho việc thành lập công ty tại Việt Nam. Tại đây có đội ngũ luật sư và các chuyên viên có nhiều năm kinh nghiệm và chuyên môn cao sẽ hỗ trợ và đưa ra phương án giải quyết tối ưu nhất khi Khách hàng có nhu cầu. Chúng tôi thực hiện các dịch vụ: hỗ trợ đăng ký thành lập công ty, tư vấn về quy thực hiện thủ tục, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ và nhiều khía cạnh pháp lý khác liên quan đến doanh nghiệp…
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam xin được thông tin đến quý khách. Nếu còn vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để có thể được giải đáp nhanh nhất.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 –Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư