Khi nền kinh tế ngày càng phát triển, các giao dịch dân sự diễn ra ngày càng nhiều, rủi ro phát sinh ngày càng cao, vì vậy để đảm bảo lợi ích chính đáng giữa các bên thì các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự ngày càng được áp dụng phổ biến. Trong các biện pháp bảo đảm, thế chấp tài sản là biện pháp được nhiều người lựa chọn. Vậy đối với tài sản góp vốn vào doanh nghiệp có được thế chấp hay không?
Một số quy định về tài sản thế chấp
Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp). Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.
Tài sản thế chấp tùy từng trường hợp cụ thể sẽ có những quy định khác nhau, cụ thể như sau:
– Trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
– Trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ gắn với tài sản đó thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
– Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp thì tài sản gắn liền với đất cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
– Trường hợp tài sản thế chấp được bảo hiểm thì bên nhận thế chấp phải thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp. Tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm trực tiếp cho bên nhận thế chấp khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
– Trường hợp bên nhận thế chấp không thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp thì tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm và bên thế chấp có nghĩa vụ thanh toán cho bên nhận thế chấp.
Thế chấp quyền sử dụng đất đã là tài sản góp vốn vào doanh nghiệp
Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, quyền sử dụng đất là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu nên khi tiến hành góp vốn vào công ty phải tiến hành việc chuyển quyền sở hữu theo quy định của pháp luật. Khi đã hoàn tất thủ tục thì quyền sử dụng đất đó mặc định là tài sản thuộc quyền sở hữu của công ty nên công ty sẽ có quyền dùng tài sản này để tiến hành việc thế chấp tại ngân hàng để vay vốn. Lúc này bên thế chấp trong hợp đồng thế chấp ký kết với ngân hàng là công ty. Việc đăng ký giao dịch bảo đảm trong trường hợp này được thực hiện tại “Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh) nơi có đất, tài sản gắn liền với đất”.
Trên đây là những thông tin về nội dung thế chấp quyền sử dụng đất đã là tài sản góp vốn vào doanh nghiệp. Để được hỗ trợ, tư vấn về những vấn đề liên quan, Quý khách hàng hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.88888
Email: info@phan.vn