Nhận nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi. Cha, mẹ nuôi là người nhận con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký. Quan hệ gia đình, quan hệ cha, mẹ, con giữa người nhận nuôi con nuôi với người được nhận làm con nuôi được hình thành từ quan hệ nuôi dưỡng, chăm sóc và phải được nhà nước công nhận.
Xem thêm:
>> Mức xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về nuôi con nuôi
>> Chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi theo pháp luật
>> Trách nhiệm hình sự trong trường hợp sử dụng thủ đoạn môi giới nuôi con nuôi
Thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình nhận nuôi con nuôi.
Quy định của pháp luật về nhận con nuôi
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, tại Khoản 1 Điều 37 quy định: Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.
Tại Điều 39 Bộ luật dân sự năm 2015 thừa nhận quyền nuôi con nuôi là một quyền tự do dân sự của cá nhân. Cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên gia đình.
Tại Khoản 2 Điều 24 của Luật trẻ em năm 2016 quy định: Trẻ em được nhận làm con nuôi theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi.
Việc nuôi con nuôi được giải quyết trên các nguyên tắc: khi giải quyết việc nuôi con nuôi, cần tôn trọng quyền của trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc. Việc nuôi con nuôi phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi và người nhận con nuôi, tự nguyện, bình đẳng, không phân biệt nam nữ, không trái pháp luật và đạo đức xã hội. Chỉ cho làm con nuôi người ở nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế ở trong nước.
Điều kiện đối với người nhận con nuôi
Theo Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về điều kiện đối với người nhận con nuôi gồm:
- Người nhận con nuôi phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
- Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục con nuôi;
- Có tư cách đạo đức tốt.
Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không phải chứng minh hơn con nuôi 20 tuổi trở lên và không cần chứng minh điều kiện bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục con nuôi.
Những người không được nhận con nuôi
- Người đang bị hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;
- Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;
- Đang chấp hành hình phạt tù;
- Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình;
- Dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
Thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình nhận nuôi con nuôi.
Thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế
Đối tượng điều chỉnh của Luật nuôi con nuôi là quan hệ nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau cùng thường trú tại Việt Nam, cũng như quan hệ nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau mà cả hai bên hoặc một bên định cư ở nước ngoài. Người nhận con nuôi có thể là cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi; công dân Việt Nam thường trú ở trong nước; người nước ngoài thường trú ở Việt Nam; công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; người nước ngoài thường trú ở nước ngoài.
Trường hợp một người được nhiều người xin nhận làm con nuôi, cần xem xét ưu tiên người nào có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc con nuôi tốt nhất, không làm thay đổi quá nhiều môi trường sống của trẻ em. Thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế được quy định như sau:
- Cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi;
- Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước;
- Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam;
- Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
- Người nước ngoài thường trú ở nước ngoài.
Ngoài ra, trong trường hợp có nhiều người cùng hàng ưu tiên xin nhận một người làm con nuôi thì xem xét, giải quyết cho người có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con nuôi tốt nhất.
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam xin được thông tin đến quý khách. Nếu còn vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để có thể được giải đáp nhanh nhất.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư