Thực trạng bạo lực gia đình hiện nay
Bạo lực gia đình hiện nay ở Việt Nam là một vấn đề nghiêm trọng và phổ biến, ảnh hưởng đến nhiều gia đình và cá nhân trong xã hội.
Theo thống kê từ Tổng cục Thống kê năm 2021, khoảng 40% phụ nữ từ 15 tuổi trở lên đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực gia đình trong đời. Mặc dù nhận thức về vấn đề đã được cải thiện trong những năm qua, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của bạo lực gia đình hoặc có những quan điểm sai lầm, ví dụ như xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân, khiến cho vấn nạn này chưa được giải quyết triệt để.
Bạo lực gia đình thường biểu hiện qua các hình thức như bạo lực thể xác, tinh thần và kinh tế, với nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, trong khi thủ phạm thường là nam giới, đặc biệt là người chồng trong gia đình.
Theo khảo sát của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), hơn 50% phụ nữ bị bạo lực gia đình cho biết họ không báo cáo sự việc vì sợ bị xấu hổ, bị trả thù hoặc do sự thiếu tin tưởng vào hệ thống pháp lý. Ở Việt Nam, phụ nữ còn bị cản trở bởi những áp lực từ định kiến gia đình, từ kỳ vọng xã hội và nhất là do tình trạng bị phụ thuộc tài chính với người chồng bạo lực.
Mặc dù Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản pháp lý liên quan, việc thực thi còn gặp nhiều thách thức, cần nhiều nỗ lực để tiếp tục nâng cao nhận thức, cải thiện chính sách và phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan để giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ bạo lực gia đình.
Bạo lực gia đình có bị phạt không?
Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Về xử lý hành chính, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình đối với cá nhân là 30.000.000 đồng.
Về xử lý hình sự, người bạo lực gia đình có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình theo Điều 185 Bộ luật hình sự 2015.
Báo tin, xử lý tin báo, tố giác bạo lực gia đình
Theo quy định, địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
a) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;
b) Cơ quan Công an, Đồn Biên phòng gần nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;
c) Cơ sở giáo dục nơi người bị bạo lực gia đình là người học;
d) Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;
đ) Người đứng đầu tổ chức chính trị – xã hội cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;
e) Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.
Việc báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình thực hiện theo một trong các hình thức sau đây: Gọi điện, nhắn tin; Gửi đơn, thư; Trực tiếp báo tin.
Về nguyên tắc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm xử lý hoặc phân công xử lý ngay khi tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình hoặc nhận được báo cáo về hành vi bạo lực gia đình của tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp tố giác tội phạm theo pháp luật tố tụng hình sự.
Ngoài ra, khi tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình mà nạn nhân lại là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc hoặc hành vi bạo lực gia đình đã hoặc có khả năng gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người bị bạo lực, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phân công Công an xã, phường, thị trấn xử lý.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư