Hôn nhân được hiểu là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn. Còn gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau. Bài viết hôm nay sẽ nêu khái quát về Luật hôn nhân gia đình hiện hành. Mời các bạn theo dõi bài viết.
>>> Tìm hiểu thêm về ly hôn đơn phương: Cách tiến hành thủ tục ly hôn đơn phương <<<<
Nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình
Về cơ bản, Luật hôn nhân và gia đình 2014 giữ các nguyên tắc của Luật hôn nhân và gia đình 2000 nhưng đã được bổ sung nguyên tắc “Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc”, “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình”. Trong Luật hôn nhân và gia đình 2014 đã bỏ nguyên tắc “Vợ chồng có nghĩa vụ thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình” của Luật hôn nhân và gia đình 2000.
Tại Điều 2 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định cụ thể như sau:
⇒ Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng
⇒ Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được bảo vệ.
⇒ Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên trong gia đình phải tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con.
⇒ Có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
⇒ Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp về hôn nhân và gia đình.
Những vấn đề nào cần lưu ý trong luật hôn nhân gia đình?
Theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình hiện hành thì có những vấn đề sau các bạn cần lưu ý:
Độ tuổi kết hôn
Pháp luật hôn nhân và gia đình hiện hành nâng độ tuổi kết hôn của nữ thành đủ 18 tuổi (thay vì đủ 17 tuổi trở lên như trước) (tham khảo điểm a khoản 1 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014). Như vậy tuổi kết hôn sẽ là từ đủ 18 tuổi trở lên đối với nữ và từ đủ 20 tuổi trở lên đối với nam.
Mang thai hộ
Cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (tham khảo Điều 95 Luật hôn nhân và gia đình 2014). Việc mang thai hộ chỉ được áp dụng khi có đầy đủ các điều kiện về cả người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ. Đặc biệt là người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ.
Chế độ tài sản
Quy định chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận (tham khảo khoản 1 Điều 28 Luật hôn nhân và gia đình 2014). Việc thỏa thuận phải được lập bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực trước khi kết hôn. Thỏa thuận này vẫn có thể được thay đổi sau khi kết hôn.
Không thừa nhận hôn nhân đồng tính
Tiếp tục không thừa nhận hôn nhân đồng tính (tham khảo khoản 2 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014).
Quan hệ chung sống như vợ chồng
Quy định cụ thể cách giải quyết về con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng các bên khi nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Không tính thời gian chung sống như vợ chồng trước khi đăng ký kết hôn vào thời kỳ hôn nhân.
Mang thai trong thời kỳ hôn nhân
Về con do người vợ mang thai trong thời kỳ hôn nhân cũng được luật hóa. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ mang thai trong thời kỳ hôn nhân (tham khảo Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình 2014).
Lưu ý: Nếu cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định. (Điều này đã được ghi nhận tại Nghị định 126/2014/NĐ-CP).
Hy vọng những thông tin trên đây đã giải đáp được những vướng mắc liên quan đến luật hôn nhân gia đình hiện hành. Để có thể được tư vấn chi tiết hơn về các trường hợp cụ thể, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn