Ly hôn (hay ly dị) được hiểu là chấm dứt quan hệ hôn nhân do Tòa án quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc của chồng hoặc cả hai vợ chồng, hủy bỏ các trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm của hôn nhân và các ràng buộc dân sự khác. Tòa án là cơ quan duy nhất có trách nhiệm ra phán quyết chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ chồng. Bài viết hôm nay sẽ tư vấn cho Quý vị về quyền ly hôn, căn cứ ly hôn tại tòa và thẩm quyền giải quyết ly hôn theo quy định hiện hành.
>>>>>Tìm hiểu thêm về ly hôn đơn phương: Các vấn đề cơ bản về ly hôn đơn phương mới nhất hiện nay <<<<<
Quyền ly hôn và căn cứ ly hôn được quy định như thế nào?
Theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình hiện hành thì quyền ly hôn của vợ chồng và căn cứ để quyết định cho ly hôn như sau:
Thứ nhất, về quyền ly hôn của hai vợ chồng
Về nguyên tắc thì vợ hoặc chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn. Tuy nhiên, nếu người vợ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì người chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn (tham khảo khoản 1, khoản 3 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014)
Thứ hai, về căn cứ để quyết định cho ly hôn
Tòa án xem xét, quyết định cho ly hôn tại tòa khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây (tham khảo Khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014, Điểm a Mục 8 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP):
- Tình trạng hôn nhân của vợ chồng trầm trọng: Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau; vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau; vợ chồng không chung thuỷ với nhau mặc dù đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.
- Đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài: Căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng chưa. Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.
- Mục đích của hôn nhân không đạt được: Không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt
Thẩm quyền giải quyết ly hôn được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 35, điểm a, b Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì thẩm quyền giải quyết ly hôn tại tòa được quy định như sau:
Trường hợp thuận tình ly hôn
Nếu hai vợ chồng thuận tình ly hôn thì có thể giải quyết tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi vợ hoặc chồng cư trú hoặc làm việc (theo thỏa thuận của hai vợ chồng).
Trường hợp đơn phương ly hôn
Nếu hai vợ chồng ly hôn đơn phương thì Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết ly hôn. Tức là người gửi đơn yêu cầu ly hôn (nguyên đơn) phải gửi đơn đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi vợ/chồng của bạn cư trú/làm việc để cơ quan đó thụ lý, giải quyết.
Hy vọng những thông tin trên đây đã giải đáp được những vướng mắc liên quan đến việc ly hôn tại tòa. Để có thể được tư vấn chi tiết hơn về các trường hợp cụ thể, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn