Một trong những loại hình doanh nghiệp được nhắc đến nhiều nhất chính là công ty cổ phần. Trong công ty cổ phần thì cổ đông sáng lập là một yếu tố gần như không thể thiếu. Hơn nữa trong hồ sơ đăng ký thành lập của loại hình doanh nghiệp này thì danh sách cổ đông sáng lập chính là một trong những tài liệu bắt buộc. Chính vì vậy mà những ai đang có ý định thành lập công ty cổ phần thì đây là một vấn đề đáng để quan tâm.
Thế nào là cổ đông sáng lập?
Khoản 2 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2014 định nghĩa cổ đông sáng lập là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần.
Đối với những công ty cổ phần mới thành lập thì điều 119 Luật này cũng quy định rõ phải có ít nhất 03 cổ đông sáng lập. Đối với trường hợp những công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước hoặc từ công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc được chia, tách, hợp nhất, sáp nhập từ công ty cổ phần khác không nhất thiết phải có cổ đông sáng lập. Khi đó Điều lệ công ty cổ phần trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc các cổ đông phổ thông của công ty đó.
Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp.
Tổ chức kinh tế có thể là cổ đông sáng lập của công ty cổ phần?
Luật đầu tư 2014 quy định tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.
Hiện tại pháp luật hiện hành không có quy định về việc tổ chức kinh tế bị hạn chế làm cổ đông sáng lập trong công ty cổ phần. Vì vậy chỉ cần đáp ứng được những điều kiện cơ bản theo quy định cũng như điều lệ công ty thì tổ chức kinh tế hoàn toàn có thể trở thành cổ đông sáng lập trong loại hình doanh nghiệp này.
Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ với Phan Law Vietnam để được tư vấn và giải đáp.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn