Khi tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì chủ thể đăng ký quyền phải chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định tại điểm 7 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN. Theo đó, một trong những giấy tờ bắt buộc phải có là tờ khai đăng ký nhãn hiệu. Trong đó, mẫu tờ khai đăng ký nhãn hiệu được quy định tại Phụ lục A ban kèm theo Thông tư 01/2007/ TT- BKHCN.
Nội dung chính của mẫu tờ khai đăng ký nhãn hiệu
Mẫu tờ khai đăng ký nhãn hiệu tại phụ lục A ban kèm theo Thông tư 01/2007/ TT- BKHCN bao gồm 4 trang chính và 1 trang tài liệu bổ sung, với nội dung cụ thể như sau:
- Trang 1 gồm các nội dung: Mẫu nhãn hiệu, loại nhãn hiệu, mô tả nhãn hiệu( màu sắc), chủ đơn, đại diện chủ đơn;
- Trang 2 gồm các nội dung: yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (nếu có), lệ phí và phí phải nộp;
- Trang 3 gồm các nội dung: các tài liệu có trong đơn bao gồm tài liệu tối thiểu và tài liệu khác;
- Trang 4 gồm các nội dung: danh mục và phân loại hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu, mô tả tóm tắt đặc tính của hàng hóa/ dịch vụ được chứng nhận, cam kết của chủ đơn.
- Trang 5 bao gồm các nội dung về chủ đơn khác (ngoài chủ đơn đã khai ở trang 1), các tài liệu khác và các trang bổ sung những nội dung của những trang trước.
Trình tự thực hiện đăng ký nhãn hiệu
Quy trình đăng ký nhãn hiệu sẽ bao gồm các bước sau:
Bước 1: Tiếp nhận đơn
Đơn đăng ký có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Bước 2: Thẩm định hình thức đơn
Kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không. Có 2 trường hợp xảy ra:
- Trường hợp đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ;
- Trường hợp đơn không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ trong đó nêu rõ các lý do, thiếu sót khiến cho đơn có thể bị từ chối chấp nhận và ấn định thời hạn 2 tháng để người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót. Nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu hoặc không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn.
Bước 3: Công bố đơn
Sau khi có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, đơn sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.
Bước 4: Thẩm định nội dung đơn
Đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ, qua đó xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.
Bước 5: Ra quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ
- Trong trường hợp đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ;
- Trong trường hợp đối tượng nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, và người nộp đơn nộp phí, lệ phí đầy đủ, đúng hạn thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.
Trên đây là nội dung chính chúng tôi muốn chia sẻ với bạn, để được hỗ trợ dịch vụ tư vấn pháp lý, Quý khách có thể liên hệ trực tiếp với Phan Law qua thông tin dưới đây:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn