Ly hôn là quá trình chấm dứt quan hệ hôn nhân hợp pháp giữa vợ và chồng. Có hai hình thức được áp dụng ở giai đoạn này chính là ly hôn thuận tình và đơn phương ly hôn. Trong đó việc ly hôn thuận tình áp dụng đối với những cặp đôi không có sự mâu thuẫn nào khi chấm dứt quan hệ hôn nhân. Khi đó Toà án giải quyết ly hôn sẽ ra quyết định công nhận yêu cầu thuận tình ly hôn của vợ chồng.
Thế nào là thuận tình ly hôn?
Điều 55 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”
Trên cơ sở này có thể hiểu việc thuận tình ly hôn diễn ra khi vợ và chồng đều có mong muốn ly hôn. Đồng thời vợ chồng cũng đã đạt được những thoả thuận về quyền lợi và nghĩa vụ sau khi chấm dứt quan hệ hôn nhân. Sau đó cùng chấp thuận ký vào đơn yêu cầu ly hôn gửi đến toà án có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết. Lưu ý, việc thuận tình ly hôn không được đặt ra trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng đã có yêu cầu ly hôn và sau đó bên còn lại quyết định chấp thuận yêu cầu đó tại Toà trong quá trình giải quyết. Vì vậy cần xác định rõ trường hợp đang diễn ra để bảo đảm các yêu cầu liên quan mà trước hết là Toà án có thẩm quyền giải quyết.
Toà án có thẩm quyền giải quyết ly hôn thuận tình
Thẩm quyền giải quyết các vụ việc của Toà án trong vấn đề liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình được xác định theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Trong đó Toà án giải quyết ly hôn thuận tình sẽ có sự khác biệt so với Toà án có thẩm quyền giải quyết đối với trường hợp đơn phương ly hôn.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thẩm quyền của Toà án giải quyết ly hôn thuận tình hay đơn phương ly hôn đều thuộc về Toà án nhân dân cấp huyện. Tuy nhiên đối với ly hôn thuận tình, điểm h khoản 2 Điều 39 Bộ luật này có thể hiện rõ về nguyên tắc xác định thẩm quyền theo lãnh thổ. Theo đó Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.
Do vậy khi có yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, vợ chồng có thể tự thoả thuận Toà án nhân dân cấp huyện nơi vợ hoặc chồng đang cư trú là toà án giải quyết ly hôn.
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam về Toà án giải quyết ly hôn thuận tình. Bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn nếu liên hệ ngay vào thông tin dưới đây để được giải đáp.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn