Pháp nhân là một tổ chức được điều chỉnh bởi pháp luật có tư cách pháp lý độc lập, có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội… theo quy định của pháp luật. Pháp nhân bao gồm pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại với những đặc điểm riêng biệt của mình.
Pháp nhân thương mại là gì?
Pháp nhân thương mại được công nhận nếu đáp ứng được 4 điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015:
- Tổ chức được thành lập hợp pháp
- Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ.
- Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản độc lập đó.
- Nhân danh mình tham gia vào quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn mang các đặc điểm riêng biệt đó là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.
Pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự như thế nào?
Ngay tại khoản 2 Điều 2 Bộ luật Hình sự 2015 đã khẳng định không phải pháp nhân thương mại nào cũng phải chịu trách nhiệm hình sự; chỉ có pháp nhân thương mại phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi tại khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
Pháp nhân không phải là cá nhân mà là một tổ chức, vì vậy khi pháp nhân có hành vi phạm tội thì phải thông qua người đại diện để tham gia tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật. Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 dành riêng Chương XXIX để điều chỉnh thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân. Theo đó, tại quy định ở khoản 1 Điều 434 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 nêu rõ:
“Mọi hoạt động tố tụng của pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự được thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Pháp nhân phải cử và bảo đảm cho người đại diện theo pháp luật của mình tham gia đầy đủ các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền.
Trường hợp người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hoặc không thể tham gia tố tụng được thì pháp nhân phải cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của mình tham gia tố tụng. Trường hợp pháp nhân thay đổi người đại diện thì pháp nhân phải thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Tại thời điểm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử mà pháp nhân không có người đại diện theo pháp luật hoặc có nhiều người cùng là đại diện theo pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định một người đại diện cho pháp nhân tham gia tố tụng.”
Trên đây là một số thông tin pháp lý hình sự về vấn đề xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ thể pháp luật là pháp nhân. Đây là một vấn đề rắc rối và phức tạp với rất nhiều các quy định pháp lý, bạn có thể tham khảo thêm nội dung tại trang http://Phan.vn hoặc trực tiếp liên hệ với chúng tôi thông qua:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn