Nhãn hiệu là một trong những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Các doanh nghiệp ngày nay rất quan tâm đến vấn đề nhãn hiệu để bảo vệ sản phẩm cũng như uy tín của mình. Tuy nhiên, hiện nay hành vi xâm phạm nhãn hiệu diễn ra ngày càng phổ biến. Việc xâm phạm các dấu hiệu đó khiến cho khách hàng dễ bị nhầm lẫn hàng hóa giữa các công ty với nhau, đặc biệt là đối với những trường hợp cố tình làm nhái, làm giả gây thiệt hại cho doanh nghiệp và cả người tiêu dùng. Chính vì vậy, cần có những biện pháp xử lý xâm phạm nhãn hiệu để bảo đảm cạnh tranh công bằng
Hành vi xâm phạm nhãn hiệu là gì?
Theo quy định tại Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ, các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:
- Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
- Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;
- Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;
- Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
Xử lý hình sự những hành vi xâm phạm nhãn hiệu
Cá nhân, tổ chức khi có hành vi xâm phạm nhãn hiệu có thể bị xử lý bằng các biện pháp hành chính, dân sự và cả biện pháp hình sự. Theo quy định tại Điều 226 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) quy định về xử lý hình sự hành vi xâm phạm nhãn hiệu như sau: Người nào cố ý xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam thuộc các đối tượng sau thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu với quy mô thương mại
- Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng
- Gây thiệt hại cho chủ Sở hữu nhãn hiệu từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng
- Hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội xâm phạm nhãn hiệu thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng. Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Như vậy, pháp luật hình sự hiện nay đã quy định cụ thể về các mức phạt đối với hành vi xâm phạm nhãn hiệu, đặc biệt đối với pháp nhân phạm tội thì mức phạt cao nhất có thể lên tới 2.000.000.000 đồng. Quy định như vậy để răn đe, phòng ngừa những hành vi xâm phạm nhãn hiệu, tránh gây ảnh hưởng và thiệt hại tới doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.
Trên đây là toàn bộ nội dung chúng tôi muốn chia sẻ cùng bạn về các quy định liên quan đến Luật Sở hữu trí tuệ, Quý khách hàng có thể liên hệ trực tiếp với Phan Law qua thông tin dưới đây:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn