Khi nào cần tố giác tội phạm là gì theo Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành?
Theo khoản 1 Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, tố giác tội phạm là hành vi của cá nhân khi phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. Người tố giác tội phạm phải tố giác đúng sự thật, trường hợp cố ý tố giác sai sự thật, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà người đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.
Nếu người nào biết rõ hành vi phạm tội đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác với cơ quan có thẩm quyền thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm theo Điều 19 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo đó, Điều 390 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:
1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.
Như vậy, nếu cá nhân phát hiện hành vi phạm tội mà không tố giác tội phạm, cũng không có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của hành vi phạm tội thì tùy theo tính chất và mức độ mà có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Thủ tục tiếp nhận tố giác tội phạm theo Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành
Theo Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, việc tiếp nhận tố giác tội phạm sẽ được thực hiện thông qua các bước sau:
Bước 1: Tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm
Khi phát hiện hành vi phạm tội, cá nhân, tổ chức sẽ soạn thảo đơn tố giác tội phạm, chuẩn bị những chứng cứ cần thiết kèm theo đơn tố giác và sẽ gửi hoặc thông báo trực tiếp đến Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm. Các cá nhân, tổ chức cũng có thể tố giác tội phạm qua đường bưu điện, điện thoại hoặc qua các phương tiên thông tin khác.
Vào thời điểm trực tiếp nhận hồ sơ tố giác tội phạm, các đơn vị nêu trên sẽ lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận; có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận. Trường hợp tố giác được gửi qua dịch vụ bưu chính, điện thoại hoặc qua phương tiện thông tin khác thì ghi vào sổ tiếp nhận.
Bước 2: Xác minh sơ bộ và chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền
Sau khi xem xét tin tố giác, trường hợp cơ quan có thẩm quyền phát hiện tố giác không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì cơ quan đó sẽ chuyển ngay tố giác kèm theo tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Trách nhiệm cụ thể của các cơ quan có thẩm quyền khi tiếp nhận tố giác được quy định như sau:
– Viện kiểm sát có trách nhiệm chuyển ngay tố giác kèm theo tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Trường hợp phát hiện cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục, trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày Viện kiểm sát có yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền đang thụ lý, giải quyết tố giác đó phải chuyển hồ sơ có liên quan cho Viện kiểm sát để xem xét, giải quyết.
– Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.
– Các cơ quan, tổ chức khác sau khi nhận được tố giác về tội phạm thì chuyển ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Trường hợp khẩn cấp thì có thể báo tin trực tiếp qua điện thoại hoặc hình thức khác cho cơ quan điều tra nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản.
Bước 3: Giải quyết tố giác và thông báo kết quả
Theo Điều 14 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận tố giác, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận phải thông báo bằng văn bản về kết quả tiếp nhận cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác biết.
Sau khi kết thúc việc giải quyết tố giác, cơ quan giải quyết phải gửi kết quả giải quyết cho Viện kiểm sát đã thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định tại các điều 148, 154, 158 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Trong thời hạn 03 ngày tiếp theo kể từ ngày kết thúc việc giải quyết tố giác, cơ quan giải quyết tố giác có trách nhiệm thông báo cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác biết kết quả giải quyết vụ việc.
Trên đây là giải đáp pháp lý của Phan Law Vietnam xin được gửi đến Quý Khách hàng. Nếu Quý Khách hàng có bất kỳ thắc mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua thông tin sau để được giải đáp:
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư