Nắm bắt được các yếu tố cấu thành tội phạm sẽ giúp bạn xác định được chính xác hành vi đó có thật sự là hành vi phạm tội hay không. Đây là nội dung rất quan trọng để cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể nhận định và đưa ra các hướng xử lý, mức hình phạt phù hợp cho từng hành vi được xem là tội phạm.
Xem thêm:
>> Nên hiểu về hành vi phạm tội như thế nào?
>> Người phạm tội dưới 18 tuổi có chịu trách nhiệm hình sự không?
>> Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là hành vi như thế nào?
Cần nhận định chính xác về hành vi phạm tội cấu thành tội phạm
Một số khái niệm cơ bản
Để có một góc nhìn chi tiết nhất về tội phạm hình sự, bạn cần nắm bắt được một số các khái niệm cơ bản dưới đây.
1. Hành vi phạm tội
Có rất nhiều sự nhầm lẫn cho rằng tất cả các hành vi phạm tội đều cấu thành nên tội phạm. Đây là quan niệm sai lầm, vì hành vi phạm tội có thể đủ hoặc không đủ yếu tố để cấu thành nên một tội phạm cụ thể. Thông qua hành vi thực hiện tội phạm, các cơ quan chức năng sẽ phân tích, đánh giá để có thể suy xét chính xác nhất về phương án xử lý, giải quyết, răn đe hợp lý.
2. Tội phạm
Khái niệm tội phạm được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 8 Bộ Luật Hình sự:
“Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.”
3. Cấu thành tội phạm
Cấu thành tội phạm mang ý nghĩa làm rõ các dấu hiệu của một hành vi để xác định hành vi đó thuộc tội phạm nào và đưa ra mức hình phạt tương xứng. Các yếu tố cấu thành tội phạm cũng là cơ sở chính để phân biệt các loại tội phạm với nhau.
Phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm
Về bản chất, để cấu thành tội phạm, hành vi phạm tội cần đáp ứng đủ 04 tiêu chí chính dưới đây.
Bốn yếu tố để cấu thành tội phạm
1. Chủ thể thực hiện hành vi phạm tội
Chủ thể của tội phạm có thể là pháp nhân hoặc cá nhân. Đối với mỗi loại chủ thể, pháp luật đều đưa ra mặt bằng chung để xác lập năng lực trách nhiệm hình sự phù hợp.
- Chủ thể phạm tội là cá nhân: Một người có thể là chủ thể của tội phạm khi người đó phải có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và có độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự
- Chủ thể phạm tội là pháp nhân: Năng lực trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại xuất hiện từ thời điểm pháp nhân này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận tư cách pháp nhân. Pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự nếu đáp ứng đủ các điều kiện tại Điều 75 Bộ Luật Hình sự.
2. Mặt khách quan
Mặt khách quan của tội phạm là biểu hiện bên ngoài của tội phạm. Dấu hiệu hành vi gây nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu khách quan quan trọng bắt buộc phải có ở mọi loại tội phạm.
Khi xác định mặt khách quan của tội phạm, cần xác định từ hành vi phạm tội gây nguy hiểm cho xã hội tạo ra mối quan hệ nhân quả gây ra hậu quả cụ thể nào đối với mối quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ. Hành vi này có thể được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động.
3. Mặt chủ quan
Mặt chủ quan của tội phạm là thái độ tâm lý của chủ thể thực hiện hành vi phạm tội. Một trong những yếu tố quan trọng của mặt chủ quan chính là lỗi. Theo đó, có thể phân chia các hình thức lỗi của tội phạm bao gồm:
- Lỗi cố ý trực tiếp;
- Lỗi cố ý gián tiếp;
- Lỗi vô ý vì quá tự tin;
- Lỗi vô ý do cẩu thả.
Có thể nhận định chung rằng, lỗi là thái độ tâm lý của một người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và hậu quả do hành vi đó gây ra được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý.
4. Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ, bị tội phạm xâm hại, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại. Thông qua khái niệm về tội phạm, có thể xác định khách thể chung của tội phạm bao gồm: “độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa”
Trên đây là các khái niệm và thông tin pháp lý cần thiết để bạn có thể hiểu rõ hơn về hành vi phạm tội và các yếu tố cấu thành nên một loại tội phạm. Bạn có thể tìm hiểu chi tiết về từng loại tội phạm tại những bài viết khác trên trang https://phan.vn hoặc trực tiếp trao đổi với các luật sư chuyên môn của Phan Law Vietnam thông qua các hình thức liên hệ dưới đây.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư