Kính gửi Văn phòng luật Phan Law Vietnam, tôi có một vấn đề mong nhận được giải đáp từ Quý công ty như sau:
Cho tôi hỏi mức xử lý hành chính đối với hành vi xâm phạm bản quyền bài hát được quy định như thế nào?
Xin chân thành cảm ơn.
Xem thêm:
>> Đăng ký bản quyền bài hát theo dạng nào?
>> Cách đăng ký bản quyền bài hát trên Youtube
>> Kinh doanh quán Karaoke có phải trả tiền bản quyền bài hát?
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng để chia sẻ thắc mắc của mình đến Phan Law Vietnam. Đối với trường hợp mà bạn đang gặp phải, chúng tôi xin phép được giải đáp thắc mắc và tư vấn dựa trên những quy định của pháp luật hiện hành như sau:
Bản quyền bài hát theo quy định
Một bài hát khi được giới thiệu đến công chúng, thì bài hát đó là kết quả sáng tạo của Nhạc sỹ, người biểu diễn, trình bày tác phẩm và của nhà sản xuất âm nhạc. Do đó, pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành có bảo hộ Quyền tác giả cho tổ chức, cá nhân sáng tạo ra hoặc sở hữu tác phẩm âm nhạc và Bảo hộ Quyền liên quan đến quyền tác giả cho tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình.
Bản quyền bài hát là quyền mà pháp luật bảo hộ đối với người sáng tạo hoặc người sở hữu bài hát, họ được độc quyền sử dụng bài hát, cho phép người khác biểu diễn, sao chép, truyền đạt,… tới công chúng, hoặc không cho phép người khác sử dụng bài hát của họ và khi quyền tác giả của bài hát bị xâm phạm, chủ sở hữu bài hát có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi của họ.
Hành vi xâm phạm bản quyền bài hát
Tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung 2009, 2019 quy định các hành vi xâm phạm bản quyền bài hát được: Xâm phạm bản quyền bài hát là các hành vi sử dụng, sao chép, sửa chữa, xuyên tạc, lưu truyền bài hát … mà chưa được sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với bài hát đó.
Điều 28. Hành vi xâm phạm quyền tác giả
1. Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.
2. Mạo danh tác giả.
3. Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả.
4. Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó.
5. Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
6. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này.
7. Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này.
8. Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này.
9. Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.
10. Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
11. Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
12. Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
13. Cố ý xóa, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm.
14. Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
15. Làm và bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo.
16. Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
Xử lý hành chính đối với hành vi xâm phạm bản quyền bài hát
Tại khoản 1 Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019 quy định: Chủ sở hữu bản quyền bài hát có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm bản quyền bài hát đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sau đây bị xử phạt vi phạm hành chính:
- Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội;
- Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 của Luật này hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này;
- Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn hoặc vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.
Mức xử phạt vi phạm hành chính với những hành vi xâm phạm
Theo quy định Nghị định 131/2013/NĐ-CP, tùy vào từng hành vi vi phạm mà có mức xử phạt vi phạm hành chính với những hành vi xâm phạm quyền tác giả được quy định như sau:
Một là, hành vi xâm phạm quyền đứng tên, đặt tên tác phẩm
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tác phẩm mà không nêu tên thật, bút danh tác giả, tên tác phẩm hoặc nêu không đúng tên thật hoặc bút danh tác giả, tên tác phẩm trên bản sao tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin sai lệch đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều 9; Buộc sửa lại đúng tên tác giả, tên tác phẩm trên bản sao tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có thông tin sai lệch về tên tác giả, tên tác phẩm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều 9.
Hai là, hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin sai sự thật đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 10; Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 10.
Ba là, hành vi xâm phạm quyền công bố tác phẩm
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi công bố tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều 11.
Bốn là, hành vi xâm phạm quyền phân phối tác phẩm
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi phân phối tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều 15.
Năm là, hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm
Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều 18.
Theo quy định trên, đây là mức phạt hành chính bạn có thể tham khảo cho hành vi xâm phạm bản quyền bài hát, nếu bạn sử dụng bài hát mà không được phép bạn sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật, tùy thuộc vào việc bạn sử dụng bài hát đó như thế nào.
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam xin được thông tin đến quý khách. Nếu còn vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để có thể được giải đáp nhanh nhất.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư