Tổ chức, cá nhân cần làm gì khi sáng chế bị xâm phạm là câu hỏi mà chúng tôi nhận được rất nhiều trong thời gian qua. Các hành vi xâm phạm sáng chế gây thiệt hại về nhiều mặt cho chủ sở hữu sáng chế. Trong trường hợp này, chủ sở hữu có thể áp dụng các biện pháp tự vệ hoặc khởi kiện ra cơ quan chức năng.
Xem thêm:
>> Xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
>> Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu
>> Những điều cần biết về xâm phạm kiểu dáng công nghiệp
Sáng chế là gì?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019) thì sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.
Có thể hiểu rằng sáng chế là sản phẩm, quy trình công nghệ, do con người sáng tạo dựa thông qua việc ứng dụng các quy luật của tự nhiên. Thuộc tính cơ bản của sáng chế là đặc tính kỹ thuật bởi vì sáng chế là biện pháp kỹ thuật nhằm giải quyết một vấn đề.
Thế nào là hành vi xâm phạm sáng chế?
Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019) quy định hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế tại Điều 126, bao gồm các hành vi sau:
– Sử dụng sáng chế được bảo hộ trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu;
– Sử dụng sáng chế mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời.
Thế nào là hành vi xâm phạm sáng chế?
Lưu ý: Quyền tạm thời được áp dụng trong trường hợp người nộp đơn đăng ký sáng chế biết rằng sáng chế đang được người khác sử dụng nhằm mục đích thương mại và người đó không có quyền sử dụng trước thì người nộp đơn có quyền thông báo bằng văn bản cho người sử dụng về việc mình đã nộp đơn đăng ký, trong đó chỉ rõ ngày nộp đơn và ngày công bố đơn trên Công báo sở hữu công nghiệp để người đó chấm dứt việc sử dụng hoặc tiếp tục sử dụng.
Trong trường hợp đã được thông báo như trên mà người được thông báo vẫn tiếp tục sử dụng sáng chế thì khi Bằng độc quyền sáng chế được cấp, chủ sở hữu sáng chế có quyền yêu cầu người đã sử dụng sáng chế phải trả một khoản tiền đền bù tương đương với giá chuyển giao quyền sử dụng sáng chế đó trong phạm vi và thời hạn sử dụng tương ứng.
Tổ chức, cá nhân cần làm gì khi sáng chế bị xâm phạm?
Tùy thuộc vào tính chất, mức độ xâm phạm, chủ sở hữu sáng chế có thể lựa chọn các phương án phù hợp nhất, bao gồm các phương án sau:
Biện pháp tự bảo vệ
Chủ sở hữu sáng chế có thể áp dụng các biện pháp sau đây để tự bảo vệ quyền sáng chế của mình, các biện pháp này được quy định tại khoản 1 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ:
+ Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
+ Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
+ Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
+ Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Biện pháp hành chính
Tổ chức, cá nhân cần làm gì khi sáng chế bị xâm phạm?
Chủ sở hữu sáng chế có thể yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp hành chính như phạt tiền, buộc loại bỏ các yếu tố vi phạm, tịch thu hàng hóa vi phạm, phương tiện, công cụ sản xuất…
Biện pháp dân sự
Theo Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu sáng chế bị xâm phạm có thể khởi kiện ra Toà án để buộc cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm thực hiện :
+ Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
+ Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
+ Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
+ Buộc bồi thường thiệt hại;
+ Buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Biện pháp hình sự
Đối với các trường hợp xâm phạm sáng chế quy mô lớn, có dấu hiệu tội phạm thì chủ sở hữu có thể nộp đơn yêu cầu các cơ quan tố tụng tiến hành xử lý.
Mong rằng qua phần tư vấn trên, bạn đã hiểu được mình cần làm gì khi sáng chế bị xâm phạm. Trên thực tế, việc bảo vệ quyền và lợi ích đối với quyền sở hữu trí tuệ là khá khó khăn. Do đó việc đồng hành cùng đơn vị pháp lý chất lượng, uy tín như Phan Law Vietnam là điều cần thiết.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư