Hành vi phạm tội là thuật ngữ được sử dụng thường xuyên đối với các vấn đề hình sự. Về cơ bản, hành vi phạm tội là cơ sở để xác định một loại tội phạm cụ thể và giúp cho cơ quan nhà nước có định hướng chính xác hơn về việc áp dụng mức xử phạt phù hợp nhất.
Xem thêm:
Hai điểm bổ sung trong Bộ Luật Hình sự mới nhất
Xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Mức xử phạt san lấp mặt bằng hiện nay
Các hành vi thực hiện tội phạm
Hành vi phạm tội là gì?
Hành vi phạm tội là những hành vi được thực hiện bằng hành động hoặc không hành động, thỏa mãn những dấu hiệu cấu thành tội phạm được quy định trong bộ luật hình sự cụ thể theo từng loại tội phạm. Những hành vi này trái với quy định của pháp luật và được xác định dựa trên 04 yếu tố cấu thành tội phạm bao gồm:
- Chủ thể: Là chủ thể thực hiện hành vi phạm tội
- Mặt chủ quan: Hành vi này phải được thể hiện thông qua hành động hoặc không tuy nhiên vẫn gây hậu quả
- Khách thể: Là mối quan hệ xã hội bị hành vi phạm tội xâm phạm
- Mặt khách quan: Phải thể hiện được lỗi phát sinh từ chủ thể
Thực hiện hành vi phạm tội
Hành vi phạm tội phải được thực hiện từ chủ thể đủ năng lực trách nhiệm hình sự là cá nhân hay pháp nhân thực hiện các hành vi có tính chất nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.
Hành vi cố ý phạm tội
Cố ý phạm tội được quy định tại Điều 10 Bộ Luật Hình sự 2015:
“Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
- Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;
- Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.”
Hành vi vô ý phạm tội
Theo quy định tại Điều 11 Bộ Luật Hình sự 2015, hành vi vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp dưới đây:
- “Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
- Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.”
Tội phạm và hành vi phạm tội khác nhau
Trên thực tế có rất nhiều sự nhầm tưởng tội phạm và hành vi phạm tội là chung một khái niệm. Tuy nhiên, hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau.
Phân biệt tội phạm và phạm tội
Đặc điểm của tội phạm
Theo định nghĩa tại khoản 1 Điều 8 Bộ Luật Hình sự 2015: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.”
Theo đó hành vi phạm tội được hiểu là hành vi do một hoặc một số chủ thể thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, có tính chất gây nguy hiểm cho xã hội và đáp ứng các đặc điểm nói trên của tội phạm.
Các loại tội phạm dựa trên mức độ hành vi phạm tội
Pháp luật cũng sắp xếp rõ các mức độ nguy hiểm của tội phạm tại Điều 9 Bộ Luật Hình sự 2015 như sau:
“Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành bốn loại sau đây:
- “Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
- Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù;
- Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù;
- Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.”
Để các luật sư của Phan Law Vietnam có thể hỗ trợ giải đáp chi tiết hơn cho bạn về hành vi phạm tội và các yếu tố pháp lý xoay quanh hành vi này, hãy trực tiếp trao đổi cùng chúng tôi thông qua các phương thức liên hệ dưới đây.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Tổng đài tư vấn hôn nhân gia đình: 1900.599.995