Cách viết đơn ly hôn sẽ khác nhau tùy thuộc vào hình thức ly hôn đơn phương hay ly hôn thuận tình. Để Quý khách có thể viết đơn ly hôn đúng chuẩn theo quy định của pháp luật, hãy tham khảo cách viết đơn ly hôn trong bài viết dưới đây.
Ly hôn là gì? Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn?
Căn cứ theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Tòa án là cơ quan có trách nhiệm ra phán quyết chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ chồng.
Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:
- Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
- Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
- Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
=> Theo đó, vợ, chồng hoặc cả hai người đều có quyền yêu cầu Toà án giải quyết ly hôn. Tuy nhiên, chồng không có quyền ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Cách viết đơn xin ly hôn theo quy định của pháp luật
Đối với đơn xin ly hôn thuận tình
Cách viết đơn xin ly hôn thuận tình theo mẫu số 01-VDS quy định tại Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP, cụ thể:
- Mục số (1) ghi loại việc dân sự mà người yêu cầu yêu cầu Tòa án giải Quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (Ví dụ: công nhận thuận tình ly hôn).
- Mục số (2) và (5) ghi tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự;
- Nếu là Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì ghi rõ tên Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (Ví dụ: Tòa án nhân dân huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh);
- Nếu là Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi Tòa án nhân dân tỉnh (thành phố) đó (ví dụ: Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam).
- Mục số (3) ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh và số chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác của người yêu cầu.
- Mục số (4) nếu người yêu cầu là cá nhân thì ghi đầy đủ địa chỉ nơi cư trú, nơi làm việc (nếu có) của người đó tại thời điểm làm đơn yêu cầu (ví dụ: 38 Phan Khiêm Ích, phường Tân Phong, Quận 7, thành phố Hồ Chí Minh);
- Mục số (6) ghi cụ thể những nội dung mà người yêu cầu yêu cầu Tòa án giải quyết. (Ví dụ: chia tài sản, người nuôi dưỡng, người cấp dưỡng cho con…)
- Mục số (7) ghi rõ lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó.
- Mục số (8) ghi rõ họ tên, địa chỉ nơi cư trú, nơi làm việc (nếu có) của những người mà người yêu cầu nhận thấy có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó.
- Mục số (9) ghi những thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình.
- Mục số (10) ghi rõ tên các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn yêu cầu, là bản sao hay bản chính, theo thứ tự 1, 2, 3,… (ví dụ: 1. Bản sao CMND của ông Nguyễn Văn A; 2. Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của ông Phạm Văn B và bà Trần Thị C;….).
- Mục số (11) ghi địa điểm, thời gian làm đơn yêu cầu.
- Mục số (12) chữ ký hoặc điểm chỉ của người yêu cầu.
Đối với đơn xin ly hôn đơn phương
Theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP, cách viết mẫu đơn xin ly hôn đơn phương được quy định như sau:
- Mục số (1) ghi địa điểm làm đơn khởi kiện (ví dụ: Hồ Chí Minh, ngày….. tháng….. năm……).
- Mục số (2) ghi tên Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án;
- Nếu là Toà án nhân dân cấp huyện, thì cần ghi rõ Toà án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Toà án nhân dân huyện Thanh Ba thuộc tỉnh Phú Thọ);
- Nếu là Toà án nhân dân cấp tỉnh, thì ghi rõ Toà án nhân dân tỉnh (thành phố) nào (ví dụ: Toà án nhân dân tỉnh Phú Thọ) và địa chỉ của Toà án đó.
- Mục số (3) ghi rõ họ tên của người khởi kiện (người yêu cầu đơn phương ly hôn).
Trong trường hợp người yêu cầu đơn phương ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì ghi họ tên, địa chỉ của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó.
- Mục số (4) ghi đầy đủ địa chỉ cư trú của người yêu cầu đơn phương ly hôn tại thời điểm nộp đơn khởi kiện.
- Các mục số (5), (7), (9) và (12) ghi tương tự như hướng dẫn tại mục số (3).
- Các mục số (6), (8), (10) và (13) ghi tương tự như hướng dẫn tại mục số (4).
- Mục số (11) nêu cụ thể từng vấn đề yêu cầu Toà án giải quyết. (Ví dụ: chia tài sản, nuôi con sau ly hôn…)
- Mục số (14) ghi rõ tên các tài liệu kèm theo đơn khởi kiện gồm có những tài liệu nào và phải đánh số thứ tự (ví dụ: 1. Bản sao CMND của ông Nguyễn Văn A; 2. Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của ông Phạm Văn B và bà Trần Thị C;….).
- Mục số (15) ghi những thông tin mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án.
- Mục số (16) chữ ký hoặc điểm chỉ của người khởi kiện (người yêu cầu đơn phương ly hôn).
- Trường hợp người khởi kiện là người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp đó phải ký tên điểm chỉ.
- Trường hợp người khởi kiện, người đại diện hợp pháp không biết chữ, không nhìn được, không tự mình làm đơn khởi kiện, không tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì người có năng lực hành vi tố tụng dân sự đầy đủ làm chứng, ký xác nhận vào đơn khởi kiện.
=> Nếu người khởi kiện không biết chữ thì phải có người làm chứng ký xác nhận theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư